Huyện vùng cao biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu có 10 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, dân số 48.424 người, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 92,63%, mỗi dân tộc lại có nét văn hóa đặc trưng tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện. Nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 72-KH/HU, ngày 02/7/2021 về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/02/2021 của Tỉnh uỷ về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, xây dựng và ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Trên cơ sở chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, các ngành chức năng đã chú trọng tăng cường các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động hướng về cơ sở. Duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cộng đồng dân cư, các đơn vị trường học. Đến nay, 100% bản, khu phố có đội văn nghệ, trong đó có 75/110 (68%) đội văn nghệ thường xuyên hoạt động. Duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc tạo tinh thần đoàn kết và không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân. Nâng cao số lượng, chất lượng hoạt động của đội văn nghệ các bản, khu phố.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp được Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện nhiệt tình hưởng ứng. Năm 2023, có 78,7% tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 80,9% bản, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; 70,7% cơ quan, đơn vị trường học đạt chuẩn văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao, câu lạc bộ... đã được quan tâm xây dựng. Hiện nay, huyện có 2 Trung tâm hội nghị, 13 nhà văn hóa xã, 106 nhà văn hoá bản, khu phố, các trang thiết bị được cấp tại các nhà văn hóa xã, bản, một số đã phát huy hiệu quả tích cực, đóng góp quan trọng trong công tác tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền tại các bản, khu phố.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc và đã có nhiều chuyển biến tích cực; tạo được sự đồng thuận và huy động nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia; đã tiến hành khảo cứu, quay video được 5 dân tộc: Si La, Cống, La Hủ, Hà Nhì, Mảng. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ ở các khu dân cư vào dịp lễ, tết, nhiều xã cho đến nay vẫn giữ được những nét đẹp về hoạt động văn hoá dân gian, văn hoá truyền thống của dân tộc như các xã: Thu Lũm, Ka Lăng, Mù Cả, Can Hồ, Vàng San, Nậm Khao, thị trấn Mường Tè. Sưu tầm, phổ biến các giá trị văn hoá như: Lễ cúng rừng, Lễ mừng cơm mới dân tộc Hà Nhì, Lễ cầu mưa của dân tộc La Hủ; khôi phục 6 lễ hội truyền thống, tổ chức 13 lễ hội hàng năm sau khôi phục. Các giá trị văn hoá được phổ biến thành sách như dân tộc Si La, La Hủ, Cống, Hà Nhì, Thái, Mảng.
Phục dựng không gian văn hoá theo kiến trúc truyền thống của 8 dân tộc Thái, Hà Nhì, Cống, Mảng, La Hủ, Mông, Si La, Kinh nhằm bảo tồn và lưu giữ những nét truyền thống của từng dân tộc. Huy động xã hội hóa nguồn lực để chỉnh trang, sửa chữa, làm mới và quản lý khu không gian văn hóa các dân tộc nâng cao hiệu quả và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, phục vụ các hoạt động văn hóa, lễ hội, các sự kiện lớn của huyện. Phát triển khu vực này thành khu vui chơi, giải trí và phố đi bộ được Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Hằng năm, hưởng ứng Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Lai Châu, với việc tái hiện lại không gian văn hóa dân tộc Hà Nhì tại tuần Du lịch; tái hiện không gian văn hóa tại các lễ hội diễn ra trên địa bàn huyện.
Với đặc thù của huyện biên giới, việc giao lưu về văn hóa, nghệ thuật giữa nhân dân hai bên biên giới luôn được duy trì và ngày càng phát triển. Các hoạt động giới thiệu quảng bá văn hoá dân tộc thiểu số luôn được quan tâm như: Giới thiệu về trang phục, các sản phẩm văn hóa đặc sắc của huyện, tổ chức các hoạt động biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao tại huyện Giang Thành, huyện Kim Bình, Lục Xuân (Trung Quốc), huyện Mường Mày (Lào). Tổ chức Lễ hội ném Còn 3 nước Việt - Lào - Trung lần thứ VI tại huyện Mường Tè. Qua những hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ đã giúp quảng bá hình ảnh đặc sắc về văn hóa, con người Mường Tè nói riêng và văn hóa con người Lai Châu, con người Việt Nam đến bạn bè trong và ngoài nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp văn hóa còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tình hình mới, đặc biệt là việc thực hiện các mô hình văn hóa gắn với tiêu chí nông thôn mới; việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở còn chạy theo thành tích, chưa đi vào chiều sâu; một số nét văn hóa độc đáo như truyện cổ, địa danh, điệu nhạc, hát, quan hệ tộc họ không được lưu giữ, phục dựng trong Nhân dân có nguy cơ mai một và thất truyền.
Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện, Huyện uỷ Mường Tè xác định các cấp uỷ, chính quyền, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong việc xây dựng các danh hiệu văn hóa, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tiếp tục duy trì và khai thác hiệu quả các hoạt động thường niên nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội văn nghệ, các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian. Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Khuyến khích việc duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc; khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; khôi phục và nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống. Lựa chọn một số giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của các dân tộc phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo sức cạnh tranh, thu hút du khách. Xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc sắc riêng của huyện Mường Tè kết hợp với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện. Xây dựng gia đình văn hóa; bản, khu phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, đạt chuẩn văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, tạo điều kiện cho Nhân dân được tham gia bàn bạc, đề xuất các giải pháp và quyết định các nội dung trong công tác xây dựng đời sống văn hóa; tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở; huy động các nguồn xã hội hóa, nhất là sự đóng góp ngày công lao động của người dân. Khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư; quan tâm, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là tại cơ sở để có đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa nhiệt tình, tâm huyết, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.