Tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 toàn tỉnh có 38 hồ sơ sản phẩm tham gia với 23 chủ thể (trong đó có: 7 hợp tác xã, 7 doanh nghiệp, 9 hộ kinh doanh). Thành phố Lai Châu có 11 hồ sơ; huyện Than Uyên có 6 hồ sơ; huyện Tân Uyên có 3 hồ sơ; huyện Mường Tè có 3 hồ sơ; huyện Phong Thổ có 4 hồ sơ; huyện Sìn Hồ có 7 hồ sơ; huyện Tam Đường có 4 hồ sơ.
Theo đánh giá của Hội đồng thì đa số các sản phẩm chủ yếu là các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương; các chủ thể đã chủ động quan tâm đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định.
Các sản phẩm bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền. Các chủ thể đã tận dụng lợi thế, cơ hội để phát triển và khai thác giá trị sản phẩm gắn với nét văn hóa truyền thống và điều kiện tự nhiên. Góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chất lượng về hồ sơ minh chứng cơ bản được hoàn thiện rõ ràng, đánh giá được tình hình tổ chức, hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm của các chủ thể tham gia chương trình.
Tuy nhiên, một số địa phương và chủ thể còn lúng túng trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ; sự tham gia của các chủ thể chưa được chủ động; một số bao bì, nhãn mác có chất lượng thấp; năng lực một số đơn vị tư vấn còn hạn chế.
Sau khi phân tích, cho ý kiến đối với các sản phẩm, Hội đồng đã tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022 đợt 2 bằng hình thức chấm điểm đối với 38 sản phẩm. Kết quả: 34 sản phẩm đạt 3 sao; 4 sản phẩm đạt 2 sao (chưa đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh).
Kết luận Hội nghị đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tich UBND tỉnh đề nghị: các sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cơ quan, chủ trì phối hợp với các chủ thể và tổ thành viên khẩn trương hoàn thiện toàn bộ thủ tục để công nhận; rà soát lại các chính sách để thực hiện hỗ trợ các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; các chủ thể sau khi được công nhận quan tâm tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt duy trì được nó vì sản phẩm OCOP sau 3 năm phải được công nhận lại; các cơ quan chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố hỗ trợ, giới thiệu quảng bá để các sản phẩm tiếp cận với thị trường./.