Đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự diễn đàn. Đồng chí Hà Trọng Hải – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Sâm Lai Châu, Viện Lâm sản ngoài gỗ chủ trì Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Sâm Lai Châu được phát hiện và công bố lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2013. Trải qua 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh và các nhà khoa học. Đến nay, tỉnh Lai Châu bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng như: Bảo tồn 3 vườn cây mẹ ngoài tự nhiên và gây trồng trên 21.000 cây mô hình; Sâm Lai Châu được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng; có 1 cơ sở được cấp mã số cơ sở nuôi trồng loài Sâm Lai Châu và 2 cơ sở hiện đang trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp mã số theo quy định; xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu” cho sản phẩm củ tươi và đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định để cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu”…
Hiện, Lai Châu đã rà soát, đánh giá và xác định được trên 30.000ha có điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển Sâm Lai Châu, trong đó có 17.000ha rất thích hợp để phát triển. Với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển Sâm Lai Châu thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 3.000ha gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ Sâm Lai Châu. Đến năm 2045, phát triển thêm 7.000ha vùng trồng Sâm Lai Châu, đưa vùng trồng sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh đạt 10.000ha.
Tham gia thảo luận, tham luận, các đại biểu tập trung vào một số nội dung như: kinh nghiệm trồng sâm của người dân và hợp tác xã; giải pháp phát triển vùng trồng sâm của tỉnh gắn với Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045; công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng; giải pháp quản lý, bảo tồn nguồn giống sâm tự nhiên, định hướng phát triển vườn cây giống, trung tâm nhân giống ứng dụng khoa học công nghệ cao; phát triển trồng sâm trong nhà màng; các vấn đề pháp lý về cây sâm, từ quá trình trồng đến chế biến và xuất khẩu; giải pháp, định hướng công nghệ chế biến các sản phẩm từ cây sâm.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng kêu gọi Nhân dân trong tỉnh chung tay, đồng lòng phát triển Sâm Lai Châu; nếu phát triển chậm vùng trồng thì càng tụt hậu, nên phải trồng nhanh và lan tỏa vùng trồng; người dân cũng dành nhiều thời gian để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về cách trồng, chăm sóc cây Sâm. Hiệp hội Sâm Lai Châu và các thành viên trong Hiệp hội cần đẩy mạnh liên kết với người dân tạo thành các vùng trồng; các doanh nghiệp sớm xây dựng cơ sở để chế biến sản phẩm sâu, hướng tới ngành công nghiệp Sâm Lai Châu với các sản phẩm cao sâm, nước sâm, thẩm mỹ, làm đẹp…
Cần tạo ra được thị trường giống và thị trường sâm; quan tâm cấp nhiều mã vùng trồng sâm, không giới hạn về số lượng nhằm tạo ra thị trường để trao đổi buôn bán; triển khai các quy trình tiến tới sản xuất Sâm Lai Châu, tổ chức các lễ hội sâm gắn với sự tích về sâm cùng với văn hóa đồng bào các dân tộc. Các huyện, xã quyết tâm thể biện bằng chủ trương nghị quyết có kế hoạch cụ thể theo từng năm, giai đoạn về phát triển cây sâm…
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 18 cá nhân có thành tích tiêu biểu, điển hình trong việc bảo tồn, phát triển cây Sâm Lai Châu.