Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát có các đồng chí: Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, các nhà trường trên địa bàn thành phố Lai Châu.
Triển khai, quán triệt Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội cũng như quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa được tỉnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Sau 2 năm triển khai và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và đang triển khai thực hiện đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trên địa bàn tỉnh Lai Châu cho thấy chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương về giảng dạy, học sinh học 2 buổi/ngày; cơ sở vật chất, đội ngũ cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới. 100% các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục nghiêm túc, linh hoạt, chủ động, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, điều kiện thực hiện của mỗi nhà trường.
Việc lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, theo đúng hướng dẫn của các cấp. 100% học sinh có đủ sách giáo khoa trước khi bước vào năm học mới. Đến ngày 15/11/2022, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục phổ thông trong toàn tỉnh là 8.369 người. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đạt 78,81%.
Cùng đó, Lai Châu quan tâm lồng ghép, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng ưu tiên, có chọn lọc bổ sung từng bước đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Bên cạnh kết quả đạt được, Lai Châu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% nên một số yêu cầu về năng lực còn cao so với học sinh. Một số cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường ở năm đầu tiên triển khai còn lúng túng; một số giáo viên chưa tích cực đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học chưa linh hoạt, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục chưa đồng bộ; …
Tỉnh Lai Châu kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, cơ quan Trung ương đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho ngành Giáo dục, nhất là tự chủ về đội ngũ và tài chính; có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương sử dụng chung cho học sinh vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với Bộ Nội vụ, giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục cho tỉnh Lai Châu giai đoạn 2022 - 2026 đảm bảo định mức số lượng người làm việc theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cơ chế đảm bảo sinh viên được đào tạo đặt hàng sau tốt nghiệp trở về địa phương; phối hợp với Bộ Nội vụ giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục cho tỉnh Lai Châu giai đoạn 2022 - 2026 đảm bảo định mức số lượng người làm việc theo quy định.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn giám sát nêu một số nội dung nhằm làm rõ hơn những kết quả đã làm được, vướng mắc, bất cập, nguyên nhân và thống nhất giải pháp thực hiện trong giai đoạn tới. Trong đó, tập trung vào tình trạng thiếu giáo viên, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên; thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học; triển khai dạy học môn tích hợp; ảnh hưởng của việc sáp nhập các đơn vị trường đối với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới… Đại biểu tỉnh Lai Châu trao đổi, trả lời nhằm làm rõ những vấn đề Đoàn giám sát quan tâm.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các vấn đề Đoàn giám sát đã nêu đối với việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Mặc dù ngân sách khó khăn, song tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục. Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất với Đoàn giám sát có đề án dành cho giáo viên đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh, Tin học; quan tâm có chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên ở xã vùng 1.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả mà tỉnh Lai Châu đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội; nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các nhà trường, phụ huynh, học sinh tham gia thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đề nghị tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả. Trong điều kiện có thể, tiếp tục tích hợp thực hiện hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Rà soát, bố trí giáo viên, tập trung cao độ cho tuyển dụng giáo viên, không vì thiếu giáo viên, chưa tuyển dụng được mà hạ tiêu chuẩn, tuyển dụng không đúng chuẩn. Đặc biệt, tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, đạt hiệu quả trong những năm học tới…
Một số khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực trong ngành Giáo dục và Đào tạo, Đoàn công tác sẽ phản ánh trực tiếp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành liên quan.
Nhân dịp này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tài trợ phần quà cho người nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh gồm: 8 ngôi nhà đoàn kết, 150 triệu đồng tiền mặt, tổng trị giá quà tặng 630 triệu đồng.
Trước đó, ngày 29 và sáng 30/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND huyện Phong Thổ và một số trường học trên địa bàn tỉnh Lai Châu./.