Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh và công chức, viên chức được phân công phụ trách, theo dõi thực hiện công tác dân chủ.
Tại điểm cầu cấp huyện, cấp xã có lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể và công chức, viên chức được phân công phụ trách, theo dõi thực hiện công tác dân chủ.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; theo đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm: 6 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, chương I gồm những quy định chung; chương II thực hiện dân chủ ở cơ sở ở xã, phường, thị trấn; chương III thực hiện dân chủ ở cơ sở ở cơ quan, đơn vị; chương IV thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động; chương V tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; chương VI điều khoản thi hành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.
Đồng thời, các đại biểu còn được phổ biến, quán triệt Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư và một số văn bản liên quan.
Hội nghị giúp cho các đại biểu có thêm kiến thức để vận dụng vào trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực dân chủ ở cơ sở, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân./.