Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Tại điểm cầu tỉnh có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
Tại Hội nghị các đại biểu được nghe Báo cáo về thực trạng quản lý quảng cáo thực phẩm; kết quả xử lý vi phạm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Theo đó, thời gian qua, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) được Bộ Y tế và các bộ, ngành tăng cường kiểm soát. Tuy nhiên vi phạm hoạt động quảng cáo TPBVSK vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Trong đó, các vi phạm chủ yếu là: quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ; giả danh Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Công an, Quốc phòng, sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thuốc chữa bệnh, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội, đài truyền hình địa phương; quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo…
Qua rà soát trên các báo, đài, website, mạng xã hội, thông tin từ phóng viên, người tiêu dùng qua gmail của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế phản ánh đã có 197 trường hợp vi phạm quy định về quảng cáo. Trong 2 năm: 2020 - 2021, Cục đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 76 cơ sở với 94 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 3,8 tỷ đồng; đăng 246 bài cảnh báo trên website của Cục.
Cục ATTP chuyển Cục phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp xác định các website, đường link quảng cáo vi phạm với 375 chủ thể đường link, trong đó có 67 đường link faceboook. Chuyển Cục thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công thương 24 đường link của sàn giao dịch thương mại điện tử quảng cáo vi phạm để xem xét, xử lý theo quy định. Qua công tác kiểm tra, các Cục đã tiến hành xử lý 19 website vi phạm quảng cáo, trong đó có chủ thể là cá nhân, Công ty, có tên miền ẩn giấu thông tin và chưa cấp phát sử dụng; gỡ bỏ 79 gian hàng, 107 sản phẩm vi phạm trên sàn giao dịch điện tử Shopee.vn…
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tâp trung vào một số giải pháp trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo TPBVSK: Nâng cao năng lực thực thi pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền và cảnh báo sớm; thắt chặt việc quảng cáo; cần có những văn bản quy định, hướng dẫn đối với việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát huy vai trò của các bộ, ngành liên quan; tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại, điện tử, công ty bán hàng đa cấp…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị: các bộ, ngành rà soát lại các văn bản, thông tin, điều chỉnh quy định về quản lý quảng cáo TPBVSK cho phù hợp với tình hình hiện tại nhằm bảo vệ quyền lợi và tiêu dùng của người dân; đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các đơn vị quảng cáo. Bộ Công thương hướng dẫn Sở Công thương các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý các sàn giao dịch điện tử, công ty bán hàng đa cấp. Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật; rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các website, tên miền. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh…