Dự Hội nghị ở điểm cầu tỉnh còn có lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, Tổ tham mưu, triển khai thực hiện Nghị quyết.
Tại điểm cầu các huyện, thành phố có lãnh đạo UBND, phòng, ban chuyên môn các huyện, thành phố; lãnh đạo UBND và trưởng các bản du lịch ở các xã: Mường So, Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), Bản Hon, Hồ Thầu (huyện Tam Đường), San Thàng (thành phố Lai Châu).
Tại Hội nghị, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình bày dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định số 562/QĐ-UBND tỉnh ngày 17/05/2021 về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo Kế hoạch, trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: hằng năm, phấn đấu mỗi dân tộc được bảo tồn ít nhất 1 di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó ưu tiên: lễ hội, chữ viết, ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian. Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; xây dựng 3 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng bộ sưu tập hiện vật và phim tư liệu vùng văn hóa các dân tộc cư trú thành cộng đồng phục vụ công tác trình bày chuyên đề gắn với phát triển du lịch. Xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 4-5 sao. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch. Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, nông sản gắn với các điểm tham quan, ngắm cảnh, chụp ảnh trên cung đường Quốc lộ 4D Sa Pa - Lai Châu nhằm thu hút khách từ Sa Pa sang và thành lập Trung tâm thông tin du lịch tại Sa Pa. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng khách du lịch và xây dựng bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.
Định hướng đến năm 2030, tỉnh tiếp tục xây dựng và phát triển bản du lịch cộng đồng thành làng văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của quốc gia. Phát triển chợ phiên truyền thống trở thành trung tâm giao lưu văn hóa, trao đổi sản phẩm du lịch, sản phẩm nông nghiệp vùng Tây Bắc. Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch thường niên của tỉnh góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Lai Châu.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung một số vấn đề: điều chỉnh một số nội dung: chuyển từ lớp dạy chữ viết người Mông sang dạy chữ viết người Thái; khôi phục, bảo tồn trò chơi Kéo co trong nghi lễ dân tộc Thái thành khôi phục và bảo tồn nghi lễ cúng Then của dân tộc Thái ở huyện Phong Thổ; lễ hội đua thuyền đuôi én toàn huyện thành lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ gắn với hoạt động đua thuyền đuôi én. Kinh phí tôn tạo các di tích lịch sử. Phân bổ nguồn vốn hỗ trợ kinh phí cho các địa phương triển khai thực hiện sát với Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh…
Phát biểu kết luận, đồng chí Lương Chiến Công - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan thường trực tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị để tổng hợp hoàn thiện dự thảo Kế hoạch trình UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Đồng thời đề nghị, các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính phối hợp nghiên cứu tham mưu phân bổ, lồng ghép các nguồn vốn đề án, dự án, chương trình; phối hợp rà soát, hướng dẫn các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý. UBND các huyện, thành phố rà soát đánh giá tính khả thi các nội dung của Kế hoạch; tổng hợp gửi cơ quan thường trực các nội dung điều chỉnh trên cơ sở đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương; chủ động lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện Kế hoạch nhằm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống./.