Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Chính phủ điện tử
Thứ tư - 24/07/2019 23:177550
Sáng 23/7, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử của các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì. Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xác định năm 2019 là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, triển khai thử nghiệm và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng Chính phủ điện tử. Đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; 100% các bộ, ngành và 32/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng dự thảo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) và gửi lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương.
Việc xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được đẩy mạnh thực hiện. Ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ bấm nút khai trương trục liên thông văn bản quốc gia. Đến ngày 21/7/2019, đã có 68.257 văn bản gửi và 203.553 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Hiện nay, 62/95 bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành; cung cấp 157.000 chứng thư số cho 86/93 bộ, ngành, địa phương và 314/431 lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh, có 84/95 cơ quan đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 68/95 bộ, ngành, địa phương đã sử dụng máy tính chủ bảo mật riêng; 27/95 đơn vị đang sử dụng máy chủ dùng chung do Văn phòng Chính phủ cung cấp.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) được Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 24/6/2019. Đây là phương thức làm việc mới của Chính phủ hướng tới Chính phủ không giấy tờ, hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả hơn. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh được nhận thức đầy đủ hơn và đã có những cải thiện tích cực.
Bên cạnh đó, một số nội dung triển khai chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, còn tình trạng lùi thời hạn, chưa chủ động trong thực hiện; tiến độ xây dựng một số cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm hoặc gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí thực hiện, một số hệ thống đã triển khai nhưng việc khai thác, sử dụng chưa thật sự hiệu quả; vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu còn hạn chế. Công tác gửi, nhận văn bản điện tử đã được triển khai rộng khắp nhưng việc bảo đảm giá trị pháp lý của văn bản điện tử chưa được đồng bộ, thể thức, hình thức ký số văn bản của các bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất theo quy định tại Thông tư 01/2019/TT-BNV và Thông tư 02/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
Để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử hiệu quả, 6 tháng cuối năm bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai, chất lượng công việc.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số; triển khai thực hiện ký số tất cả các văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia (trừ văn bản mật); văn phòng Chính phủ tập trung xây dựng Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia; phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu và Nghị định về định danh và xác thực điện tử.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các cơ quan chuyên môn cần xây dựng nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử; ưu tiên dùng trước những dịch vụ công thiết yếu; chú trọng việc quản trị, phải thực hiện an toàn trong việc luân chuyển dữ liệu. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP; giao cho Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo các đơn vị thực hiện tại Nghị quyết số 17/NQ-CP; các cơ quan phải thực hiện đúng tiến độ, lộ trình văn bản tại Trục liên thông văn bản quốc gia; sớm vận hành đưa vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia…/.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế