Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí: Hà Trọng Hải - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quốc Khanh - Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra; lãnh đạo Thanh tra tỉnh; Chánh Văn phòng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng nghiệp vụ và công chức Thanh tra tỉnh; Chánh thanh tra các sở, ban, ngành tỉnh; Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra, công chức thanh tra thành phố Lai Châu.
Luật Thanh tra năm 2022 (Luật số 11/2022/QH15) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 14/11/2022 gồm 8 Chương, 118 Điều (tăng 1 chương và 40 điều so với Luật Thanh tra năm 2010). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. So với quy định trước đây, Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 bổ sung rất nhiều quy định, điểm mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra; về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, công tác phối hợp giữa thanh tra với kiểm toán Nhà nước, điều tra; việc ban hành kết luận thanh tra về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra, ngoài ra đã bổ sung các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch thanh tra viên, bỏ một số quy định về cộng tác viên thanh tra và quy định thanh tra Nhân dân...
Tại Hội nghị các đại biểu cũng được thông tin thêm về Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra; Nghị định số 03/2024/NĐ-CP, ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng tranh tra chuyên ngành…
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành. Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ làm rõ và giải đáp các vướng mắc; trao đổi, hướng dẫn một số nội dung trong tổ chức thực hiện Luật Thanh tra và các Nghị định chi tiết.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Dương Quốc Huy - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: Luật Thanh tra năm 2022 là văn bản pháp luật rất quan trọng, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Luật thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về Thanh tra hiện nay. Đặc biệt Luật cập nhật, bổ khuyết những nội dung phù hợp với thực tiễn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để Luật Thanh tra năm 2022 đi vào cuộc sống, đồng chí đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật theo kế hoạch đã được ban hành. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thanh tra. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lớp tập huấn để giới thiệu, quán triệt, phổ biến nội dung cơ bản của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; lồng ghép trong nội dung giáo dục pháp luật hằng năm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động…từ đó tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động của ngành thanh tra hoạt động thêm hiệu quả trong thời gian tới./.