Tại Hội nghị, các đại biểu được báo cáo viên Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia giới thiệu một số nội dung quan trọng như: các quan điểm, định hướng của Chính phủ, của Bộ KH&CN về thúc đẩy phát triển hoạt động truy xuất nguồn gốc nói chung và các giải pháp truy xuất nguồn gốc nói riêng; kinh nghiệm tổ chức thực hiện ở các địa phương khác trong cả nước; cung cấp các kiến thức về hoạt động áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với mã số, mã vạch và lợi ích của việc triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Từ đó có thể sử dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, đại biểu đã được giới thiệu về chương trình “Chợ phiên vùng miền - nông lâm thủy sản Lai Châu” do Công ty cổ phần công nghệ SmartGap (Hà Nội) tổ chức. Chương trình có mục tiêu là quảng bá, giới thiệu thương hiệu nông sản địa phương, đặc sản vùng miền tới đông đảo công chúng và tạo tiền đề cho các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sau này.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhau trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực tế triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc ở địa phương. Đồng thời, đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực và tổ chức thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Được biết, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 806/KH-UBND thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Theo đó, mục tiêu của tỉnh là đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc. Nâng cao nhận thức của các cơ quan tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc. Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yêu về truy xuất nguồn gốc. Đến nay, toàn tỉnh đã có 95 doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng mã số mã vạch.
Hội nghị nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc./.