Các đồng chí: Hà Trọng Hải - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết, chính sách, đề án về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 (Ban Chỉ đạo); Nguyễn Sỹ Cảnh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Văn Châu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp có thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 22/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay một số chỉ tiêu vượt nghị quyết như: Sản xuất lúa hàng hóa tập trung; phát triển ong; trồng cây ăn quả; trồng mới địa lan… góp phần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết sản phẩm. Nâng cao giá trị và thu nhập cho người nông dân. Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 03/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển rừng bền vững được các địa phương thực hiện khá tốt. Tính đến năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,8% (đạt 96,06% so với nghị quyết). Các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Nậm Nhùn, Mường Tè một số chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch giao hằng năm. Đề án 04-ĐA/TU, ngày 25/8/2021 của Tỉnh ủy về phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung được triển khai hiệu quả. Nhân dân tích cực tham gia đóng góp ngày công, hiến đất xây dựng. Vì vậy, hệ thống hạ tầng thiết yếu tương đối đồng bộ, góp phần hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Nghị quyết 13/2019/NQ-HĐND, ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bước đầu đã khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, thay đổi nhận thức cho người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị kinh tế. Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND, ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 đã góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững. Tính hết năm 2022, bình quân lương thực đầu người đạt 531kg/người/năm (tăng 20kg/người/năm so với năm 2019), tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm. Thực hiện Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND, ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh thông qua đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, đến nay toàn tỉnh đã trồng được gần 30ha sâm Lai Châu, hơn 10ha bảy lá 1 hoa…
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu tập trung nêu những khó khăn, hạn chế và chia sẻ cách làm hay trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chính sách, đề án về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, đề án của tỉnh về phát triển nông nghiệp đến các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết, tính tất yếu và hiệu quả của các nghị quyết, đề án. Tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về quy hoạch, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp. Tăng cường liên kết, phối hợp giữa các địa phương để tạo ra các vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến quy mô lớn.
Tham mưu, ban hành quy chế quản lý chất lượng nguyên liệu vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Quan tâm, đẩy mạnh, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư vào phát triển nông nghiêp. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trồng cây mắc ca, đảm bảo tiến độ trồng và chỉ tiêu phát triển mắc ca của tỉnh. Thực hiện kết nối giữa các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ trong phát triển nguyên liệu chanh leo, ngô ngọt… để đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nghiên cứu đề xuất một số chính sách khuyến khích hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao...