Dự cuộc họp tại điểm cầu Trung ương còn có các đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, dự cuộc họp có đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các đơn vị có liên quan.
Bão số 1 có tên quốc tế là TALIM đang hoạt động ở phía Tây Bắc khu vực bắc Biển Đông với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13. Theo dự báo, bão số 1 còn tiếp tục mạnh lên cấp 12-13, giật cấp 15. Từ chiều ngày 17/7/2023 bão có thể sẽ gây gió mạnh trên Vịnh Bắc Bộ, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền ven biển Bắc Bộ, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài, nhất là tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng; nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại miền núi, ngập úng cục bộ tại các đô thị và vùng thấp trũng, ven sông, suối. Những ngày qua, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đã chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với bão số 1 theo cấp độ rủi ro thiên tai, góp phần bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên biển. Đây là cơn bão đầu tiên năm 2023 dự kiến ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta với cường độ mạnh ngay sau đợt nắng nóng kéo dài. Để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ, bảo vệ an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 646/CĐ-TTg, ngày 16/7/2023 về việc tập trung ứng phó với bão số 1 năm 2023, yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố không được chủ quan, lơ là, chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ…
Tại tỉnh ta, hiện nay đang vào cao điểm mùa mưa, tình hình thời tiết có diễn biến phức tạp. Theo tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh, thời gian qua một số nơi mưa to, rất to như tại xã Ka Lăng, Thu Lũm - huyện Mường Tè, xã Nậm Chà - huyện Nậm Nhùn, xã Khoen On - huyện Than Uyên… nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực vùng núi và ngập úng tại khu vực vùng trũng, thấp. Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Đồng thời, ngay sau khi nhận được Công điện của Thủ tưởng chính phủ về ứng phó với cơn bão số 1, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố chủ động triển khai, thực hiện ứng phó với mưa dông, lốc, sét, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai; các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố chủ động theo dõi nắm tình hình diễn biến cơn bão, chủ động các phương án ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra…
Chỉ đạo tại điểm cầu tỉnh sau khi kết thúc cuộc họp trực tuyến, đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh về ứng phó với cơn bão số 1 và mưa lũ sau bão. Cần chủ động nắm bắt tình hình diễn biến mưa bão của các huyện, triển khai chỉ đạo các nhiệm vụ giải pháp của Trung ương đến các địa phương. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình quán triệt, triển khai đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố chủ động theo dõi tình hình, tham mưu cho UBND huyện để có những chỉ đạo, kiểm tra, ứng phó; có phương án, báo cáo kịp thời khi có diễn biến tình hình mới nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 1 gây ra…