Dự Hội nghị có các thành viên Hội đồng tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện và các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đợt này.
Tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đợt 1 có 16 hồ sơ của 9 chủ thể (4 công ty, 5 hợp tác xã) thuộc 3 huyện. Trong đó, huyện Tân Uyên 7 hồ sơ; Tam Đường 6 hồ sơ; Phong Thổ 3 hồ sơ. 16 sản phẩm thuộc các nhóm: chế biến từ chè; từ rau, củ, quả, hạt tươi; chế biến từ thủy, hải sản; gạo; mật ong. Đây đều là những sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương, được các chủ thể chú trọng đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác theo quy định.
Trên cơ sở đăng ký, Tổ giúp việc Hội đồng tỉnh đã tiến hành tiếp nhận, thẩm định hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của UBND các huyện. Kết quả, trình Hội đồng tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng 15/16 hồ sơ đáp ứng yêu cầu.
Tại Hội nghị, các thành viên Đội đồng tỉnh đã thảo luận, xem xét hồ sơ các sản phẩm với những nội dung liên quan về: tên đăng ký, mẫu mã sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, câu chuyện về sản phẩm… Đồng thời, đề nghị các chủ thể bổ sung thêm thông tin, giải trình các tiêu chí chưa đạt.
Qua bỏ phiếu, Hội đồng tỉnh thống nhất có 14 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Tuy nhiên, 1 chủ thể là Công ty Cổ phần Trà Than Uyên xin lùi thời gian công nhận sản phẩm trà tuyết shan để tiếp tục hoàn thiện tham gia đánh giá, phân hạng đợt 2/2021.
Đây là năm thứ 2 Hội đồng tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trước đó, năm 2020, đã tổ chức 2 đợt với tổng số 47 sản phẩm của 25 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác, hộ sản xuất đạt tiêu chuẩn 3 và 4 sao. Như vậy, đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng số 60 sản phẩm được công nhận đạt OCOP.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Hà Trọng Hải - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tỉnh đánh giá cao kết quả cũng như tinh thần trách nhiệm của Tổ thư ký giúp việc, thành viên Hội đồng tỉnh, các huyện cùng chủ thể trong quá trình chuẩn bị, tham gia, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1/2021. Đồng chí đề nghị, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai, thực hiện Chương trình OCOP, đặc biệt là tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của các chủ thể khi tham gia thực hiện chương trình. Đối với các sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng cấp tỉnh, các chủ thể nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, nhãn hiệu nhằm khẳng định rõ hơn tiêu chuẩn vừa được Hội đồng cấp tỉnh công nhận. Tiếp tục lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương; hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, bổ sung hồ sơ, định hướng phát triển sản phẩm đăng ký tham gia đáng giá, phân hạng đợt 2 năm 2021.
Đồng chí Chủ tịch Hội đồng tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh. Phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng các điểm giới thiệu và bày bán sản phẩm OCOP, nhất là tại các điểm du lịch. Từ đó, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh…