Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trình tại phiên họp nêu rõ: Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em được quan tâm. Tất cả trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí, gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng, gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo. Khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Tuy nhiên qua giám sát cho thấy, tình hình trẻ em còn những vấn đề đáng quan tâm, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn rất lớn.
Về số lượng trẻ em bị xâm hại (từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019), cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó: xâm hại tình dục 6.432 trẻ (chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại); bạo lực trẻ em 857 trẻ; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có 106 trẻ; các hình thức xâm hại khác 1.314 trẻ. Điều đáng chú ý, qua kết quả giám sát cho thấy riêng số trẻ em bị xâm hại trong 6 tháng đầu năm 2019 có đến 1.400 trẻ, tăng đột biến, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại chưa được phát hiện kịp thời. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện.
Thảo luận tại phiên họp, trên 40 đại biểu phát biểu ý kiến bày tỏ sự đồng tình nhất trí cao với nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc Hội và thẳng thắn nêu lên một số trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Đại biểu đề cập đối tượng xâm hại đa dạng; chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và nguy cơ, hậu quả xâm hại trẻ em. Một số đại biểu đề xuất, kiến nghị: các cấp, các ngành cần đổi mới, đẩy mạnh việc tuyên truyền về công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em; thu hút các tổ chức tham gia hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đưa việc giảng dạy an toàn mạng vào trường học; các nhà trường cũng cần tạo sự gắn kết chặt chẽ với gia đình, địa phương trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Về phía gia đình, cần quan tâm hơn nữa đến các em, tuyệt đối không giao trẻ em cho những người thiếu sự tin tưởng. Cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả điều tra, xét sử tội phạm xâm hại trẻ em, kiên quyết không để lọt tội phạm và dùng hình phạt cao nhất cho tội phạm này.
Đối với tỉnh Lai Châu, qua giám sát cho thấy UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về chăm sóc, bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em. Công tác tuyên truyền, quan triệt, triển khai các văn bản, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh… được các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc. Song tình hình xâm hại trẻ em ở một số nơi còn tiềm ẩn phức tạp. Tổng số trẻ em bị xâm hại từ năm 2011 đến giữa năm 2019 là 67 trẻ. Thảo luận tại phiên họp, đồng chí Tống Thanh Bình – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh đề xuất: Quốc Hội sớm chỉ đạo tổng kết, sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Chính Phủ, các bộ ngành trung ương khẩn trương hoàn thiện thể chế về đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, ưu tiên lĩnh vực bảo vệ trẻ em, thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc Hội – Uông Chu Lưu cho rằng ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc Hội rất sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm. Các ý kiến đã được ghi chép đầy đủ, Ủy ban thường vụ Quốc Hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, để báo cáo lại Quốc Hội và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc Hội thông qua./.