Tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, Văn phòng UBND tỉnh.
Ngày 25/02/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững. Để cụ thể hóa nhiệm vụ của Nghị quyết, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Lai Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đã trình bày dự thảo Đề án. Theo đó, Đề án nhằm xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, hình thành và thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh; từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực. Từng bước nâng thứ hạng của Lai Châu đạt vị trí thứ 45/63 tỉnh, thành phố trong Bảng xếp hạng đánh giá Chỉ số Chuyển đổi số vào năm 2025. Đến năm 2030, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số ở các lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững… Đề án thực hiện trên phạm vi tỉnh Lai Châu, thời gian triển khai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu cơ bản của dự thảo Đề án đến năm 2025 là 100% dịch vụ công có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước) và phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn)… Đến năm 2030, 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 100% cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh và với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh và đặc biệt là phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn)…
Để đạt được mục tiêu đó, dự thảo Đề án đưa ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là sẽ tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức và huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn xã hội trong chuyển đổi số; xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số…
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đã tham gia ý kiến vào các nội dung của Đề án như lộ trình thực hiện; các nội dung cần ưu tiên làm trước như hạ tầng số, cơ sở dữ liệu, nền tảng số; thực hiện sàn giao dịch thương mại điện tử; ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án…
Cơ bản đồng tình với các ý kiến tham gia tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tiếp tục tham mưu xây dựng dự thảo Đề án và dự thảo kế hoạch thực hiện hằng năm; xây dựng bố cục dự thảo Đề án cụ thể hơn, rõ việc hơn, trong đó xác định rõ những việc cần thực hiện ngay theo từng giai đoạn; yêu cầu giám đốc các sở, ngành trực tiếp chủ trì xây dựng các nội dung chuyển đổi số của đơn vị mình. Các sở, ngành đưa rõ việc cần thực hiện vào trong dự thảo Đề án...