Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc được lãnh tụ Hồ Chí Minh đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” và được vận dụng một cách sáng tạo, phát huy tới đỉnh cao với nhiều hình thức phong phú, phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng, góp phần đưa phong trào cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc tạo nên lực lượng vô cùng to lớn để thực hiện các phong trào cách mạng. Vì vậy, ngay sau khi Đảng được thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (3/2/1930), Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh (hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam) vào ngày 18/11/1930. Trải qua hơn 90 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn kết là sợi dây xuyên suốt để Mặt trận thực hiện sứ mệnh của mình. Đoàn kết trong Mặt trận Liên - Việt, nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Đoàn kết trong MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, MTTQ và các tổ chức thành viên có vai trò ngày càng quan trọng với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. MTTQ đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong xã hội; tích cực tham gia xây dựng pháp luật, góp ý đối với các dự thảo văn kiện, tham gia chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có nhiều cố gắng, nỗ lực đổi mới và đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, lây lan, bùng phát ở nước ta, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan nhà nước ra lời kêu gọi, tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong nhân dân, đóng góp công sức, tiền của cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong hình hình mới, đặc biệt là những mục tiêu, nhiệm vụ được xác đinh trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng như: “Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...”; đồng thời tiếp tục khẳng định và có bổ sung nội dung phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Yêu cầu đặt ra đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp là: cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể có tâm huyết, trách nhiệm với công việc, không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội. Tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Tiếp tục chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân nắm vững và thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tích cực, chủ động trong phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động, cơ hội chính trị. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, vì vậy phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Mỗi cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác Mặt trận trong tình hình mới; đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về thực hành phong cách dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân"; "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thực sự vì Nhân dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân.
Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021) gắn với ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam, kế thừa và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; phát huy ý chí tự cường dân tộc, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.