Phóng viên: Xin đồng chí cho biết cây Mắc ca được tỉnh coi là cây trồng như thế nào trong phát triển kinh tế của người nông dân?
Đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 34% nhưng bù lại có diện tích đất tự nhiên rộng trên 9.068km2, vấn đề phải tìm cây trồng hợp lý vừa giữ rừng vừa tạo điều kiện bà con các dân tộc tăng thu nhập. Cây Mắc ca được trồng thí điểm từ năm 2011, 2012 đến nay sinh trưởng, phát triển tốt, có quả, năng suất khá. Đến hết năm 2016 toàn tỉnh trồng được 244,3ha với 2 phương thức: trồng thuần và xen cây chè; khoảng 100ha từ 4 năm tuổi đều đậu quả, một số cây thu hoạch từ 2,5-3,5kg quả tươi/cây/năm; khảo sát ban đầu tại các hộ, doanh nghiệp bán với giá trung bình 80 nghìn đồng/kg. Hiện nay, Lai Châu đang có một số nhóm cây trồng đang rất ổn định như: cao su, chè, cây quế, sơn tra; riêng Mắc ca tỉnh cũng xác định là một trong loại cây kinh tế trong thời gian tới nâng diện tích trồng cao hơn. Đồng thời xác định Mắc ca vừa là loại cây công nghiệp, vừa là cây lâm nghiệp tóm lại là cây đa mục đích có thể tăng tỷ lệ che phủ rừng ở vùng đất trống đồi trọc, mang lại thu nhập tốt, tạo việc làm cho bà con, giữ gìn môi trường.
Phóng viên: Hiện nay tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nông dân phát triển một số loại cây: cao su, quế, sơn tra, chè; còn đối với cây trồng mới này tỉnh cân nhắc có phương án, quy hoạch gì đế phát triển?
Đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Về nông lâm nghiệp nói chung, tỉnh đã có đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp toàn tỉnh trong đó hướng tới một số nhóm cây trồng, vật nuôi. Cùng với việc tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, tỉnh có hệ thống các đề án, chính sách phát triển hỗ trợ cho nông nghiệp; riêng Mắc ca tỉnh sẽ từng bước có hệ thống chính sách về loại cây mới này. Thời gian tới, vấn đề này sẽ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp bàn, xây dựng Nghị quyết chuyên đề để bàn, có kế hoạch phù hợp, từng bước thận trọng phát triển cây Mắc ca; qua đó tạo công ăn việc làm cho Nhân dân các dân tộc địa phương cũng như góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tóm lại, tỉnh sẽ có một chính sách nhưng chính sách cụ thể như thế nào sắp tới phải bàn và đưa ra Nghị quyết Hội đồng xem xét theo đúng quy định.
Phóng viên: Để sản xuất nông nghiệp bền vững nhất là đưa loại cây trồng mới như Mắc ca vào phát triển. Đồng chí đánh giá thế nào về mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nông, Nhà khoa học, Doanh nghiệp
Đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Nông nghiệp muốn phát triển cần hợp tác chặt chẽ giữa người sản xuất với các nhà cung cấp dịch vụ, hoạt động thương mại. Tỉnh đang có một số mô hình liên kết như: cây cao su, chè với sự liên kết giữa Nhân dân, Ngân hàng, giữa doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Liên kết giữa các hộ với hợp tác xã, doanh nghiệp có sự quản lý hay chính quyền các cấp nhất cấp xã sẽ là trọng tài cho việc thực hiện cam kết. Ví dụ như cây cao su toàn tỉnh có trên 13.500ha đang thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa hộ nông dân với các Công ty cao su, hệ thống chính quyền các cấp. Việc bà con góp đất không chỉ được chia lợi tức mà còn được tham gia làm công nhân. Cây Mắc ca đang được tỉnh hướng đến mô hình liên kết như vậy nghĩa là mô hình liên kết giữa người dân với doanh nghiệp kể cả trong cung ứng giống, vật tư nông nghiệp hay trong trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngân hàng bưu điện Liên Việt, các Công ty thuộc Tập Đoàn Him Lam phối hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương cùng các hộ liên kết chặt chẽ, từng bước phát triển thì chắc chắn cây Mắc ca ở tỉnh sẽ đạt kết quả cao.
Người lao động Công ty TNHH 1 Thành viên Trường Giang chăm sóc vườn cây giống Mắc ca trên địa bàn xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ
Phóng viên: Để phát triển Mắc ca thành công khâu quan trọng nhất là lựa chọn giống. Tỉnh ta có kế hoạch như nào để có thể quản lý chặt chẽ và tốt khâu giống?
Đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Chắc chắn là vậy vì Lai Châu đã có bài học rồi, 244,3ha cây Mắc ca đã trồng đến cuối năm 2016 với những cây có bộ giống tốt cho quả tốt, giống không tốt thì không cho quả hay ít quả. Muốn quản lý tốt giống này trước hết UBND tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng Ban; các doanh nghiệp, hộ gia đình nếu đăng ký trồng Mắc ca sẽ phải cam kết thực hiện các bộ giống theo hướng dẫn, quy trình kỹ thuật của tỉnh, do các ngành chuyên môn chứ không thể trồng tùy tiện.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết định hướng của tỉnh về phát triển cây trồng này trong thời gian tới?
Đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Theo định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2020 phát triển 5.000ha Mắc ca, năm 2030 là 10.000ha với ngân sách hỗ trợ khoảng 110 tỷ đồng, trong đó 45 tỷ ngân sách tỉnh, 65 tỷ ngân sách trung ương; trồng ở huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè. Doanh nghiệp, Hợp tác xã, người dân tham gia trồng mắc ca sẽ nhận được mọi ưu đãi về hỗ trợ tiền để trồng thuần, trồng xen chè. Mắc ca là loại cây đa mục đích sau này cho thu nhập từ quả, khi khép tán được hưởng dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Tỉnh đặt ra kế hoạch ngoài chè, cao su, quế, sơn tra hướng tới xây dựng kế hoạch phát triển cây Mắc ca một cách hợp lý phù hợp với các loại cơ cấu cây trồng khác. Riêng đầu ra, với Mắc ca đang là sản phẩm mới đa dạng nếu có cách đi đúng, có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp kết hợp thị trường trong nước và thế giới, khu vực thì cây Mắc ca sẽ đứng vững, phát triển. Lai Châu đang phối hợp Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Ngân hàng bưu điện Liên Việt tính toán, xây dựng kế hoạch phù hợp với bước đi thận trọng dần đưa cây Mắc ca vào trồng, phát triển giúp người dân giảm nghèo, từng bước làm giàu./.