Tổng diện tích trồng cây mắc ca hiện nay trên địa bàn huyện Tam Đường là 475,6 ha, trong đó diện tích trồng thuần 181,1 ha, trồng xen 294,5 ha, tập trung ở các xã: Thèn Sin, Bản Bo, Nùng Nàng, Bản Hon, Hồ Thầu, Bản Giang; diện tích cho thu hoạch 92ha, năng suất bình quân 9kg/cây, sản lượng 233 tấn; tổng giá trị 8 tỷ 155 triệu đồng, thu nhập bình quân 113 triệu/ha trồng thuần và 15 triệu đồng/ha trồng xen. Toàn huyện Tân Uyên hiện có 609,78ha cây mắc ca, trong đó 161 ha trồng thuần, 448,78 ha trồng xen chè (từ năm 2012), tập trung ở các xã: Nậm Sỏ, Phúc Khoa, Mường Khoa, Trung Đồng, Thân Thuộc, Pắc Ta, Nậm Cần và thị trấn; do mới đưa vào thực hiện trồng xen chè năm 2012 nên hiện nay diện tích cho thu hoạch là 2 ha với thu nhập gần 100 triệu đồng/ha.
Sau khi thăm quan, khảo sát việc trồng mắc ca thuần và trồng xen chè của một số hộ dân trên địa bàn xã Bản Giang, Bản Bo (huyện Tam Đường), xã Phúc Than, thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên), đoàn công tác Hiệp hội mắc ca Việt Nam đánh giá Lai Châu là một trong những tỉnh rất phù hợp để trồng và phát triển cây mắc ca, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Vì vậy, việc trồng và mở rộng diện tích trên địa bàn tỉnh sẽ tạo tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân. Mô hình trồng mắc ca tại tỉnh Lai Châu sẽ là cơ sở để Hiệp hội giới thiệu, quảng bá, nhân rộng ra các tỉnh có điều kiện khí hậu, đất đai tương đồng để tiếp tục phát triển cây mắc ca.
Đồng chí Hà Trọng Hải - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cam kết sẽ đồng hành cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp để tiếp tục trồng, phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề nghị Hiệp hội phối hợp các cơ quan chuyên môn của tỉnh trong chuyển giao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm mắc ca sau này./.