Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Lao động, người có công và xã hội năm 2018
Thứ sáu - 19/01/2018 05:104060
Sáng 17/01), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác lao động-người có công và xã hội năm 2018.
Tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương...
Tại điểm cầu ta có đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh, thành phố và huyện.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2017 là năm có ý nghĩa lịch sử đối với toàn ngành, năm của Đền ơn đáp nghĩa. Năm 2017, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực: phối hợp với các ngành tổ chức thành công kỷ niệm 70 ngày Thương binh - Liệt sỹ, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Năm qua đã xác nhận và tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công cho 1.250 liệt sỹ, công nhận 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; cấp mới, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công. Hoàn thành và vượt kế hoạch về tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị giảm chỉ còn 2,24%; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng đạt 56%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm xuống còn dưới 7% (giảm khoảng 1,35% so với cuối năm 2016).
Các lĩnh vực ngành có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó lần đầu tiên đưa trên 130 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. An sinh xã hội được bảo đảm, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương quý III/2017 là 5,36 triệu đồng (tăng 434 nghìn đồng so với năm 2016)...
Tại Hội nghị cũng đề ra một số chỉ tiêu và nhiệm vụ cần thực hiện năm 2018: hoàn thành các chỉ tiêu do Quốc hội, Chính phủ và ngành giao, trong đó: tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58-60%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1-1,3%; giải quyết việc làm cho 1.600 nghìn người lao động; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt 26,5 - 28%; 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú... Tập trung chỉ đạo thực hiện, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong đó tập trung các khâu đột phá về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế...
Tại điểm cầu ta, đồng chí Đỗ Ngọc An - Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo nhanh về công tác giảm nghèo trên địa bàn. Đồng thời đề xuất một số ý kiến: cần có chính sách đồng bộ trong phát triển, bảo vệ rừng, nhất là những chính sách ưu đãi đối với người sinh sống trong rừng để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng và tăng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng; tiếp tục có chính sách hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn và ít người trên địa bàn như: Cống, Mảng, Si La, La Hủ, Khơ Mú; cần có sự gắn kết chặt chẽ trong chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, mạnh dạn phân cấp cho các địa phương về quản lý, thực hiện 2 chương trình này; huy động các doanh nghiệp có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên có các công trình xây dựng, các nhà máy, xí nghiệp nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; có hỗ trợ cao hơn nữa đối với các vùng đặc biệt khó khăn để người dân yên tâm lao động sản xuất, giữ rừng, bảo vệ nguồn nước...
Dự và chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được trong năm qua. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khuyết điểm toàn ngành cần khắc phục trong thời gian tới để kết quả đạt được đồng bộ, bền vững hơn. Đồng thời Thủ tướng đề nghị: tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, xây dựng đề án tiền lương, pháp lệnh ưu đãi đối với người có công để trình Chính phủ; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động; có chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững; cần tăng lượng người dùng Bảo hiểm xã hội, đảm bảo các chế độ chính sách cho người có công; có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý bạo hành trẻ em. Đặc biệt, Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang đến gần, cần có những chính sách đảm bảo cho người có công, người nghèo và người lao động có Tết ấm no, đầy đủ.../.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế