Hội thảo khoa học về phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Thứ sáu - 11/05/2018 02:575890
Ngày 10/5, UBND tỉnh phối hợp với Hiệp hội mắc ca Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tổ chức Hội thảo Khoa học phát triển cây mắc ca: Hiện trạng và giải pháp tư vấn cho vay và đào tạo canh tác cây mắc ca ở Lai Châu.
Dự Hội thảo Đồng chí Lê Trọng Quảng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giáo sư tiến sỹ Lê Đình Khản - Chuyên gia cao cấp Hội khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam; giáo sư tiến sỹ Nguyễn Ngọc Lung - Chuyên gia cao cấp Hội khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam. Đại diện lãnh đạo Hiệp hội mắc ca Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, các sở, ban, ngành tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Cây mắc ca là cây lâm nghiệp được du nhập vào Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây. Là loại cây có quả, hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng tốt, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn. Theo đó, cây mắc ca bắt đầu được trồng tại tỉnh từ năm 2011, tại vườn của một số hộ trên địa bàn thành phố với quy mô 0,99 ha. Năm 2012, 2013 tỉnh tiếp tục trồng mới trên 190 ha cây Mắc ca theo các chương trình nghiên cứu và trồng thử nghiệm, chủ yếu tập trung tại huyện Tam Đường với trên 169 ha (trồng thuần 133 ha, trồng xen trên nương chè 36 ha). Từ năm 2014 -2016, tại các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ và Nậm Nhùn trồng mới tập trung trên 150 ha, trong đó riêng Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Trường Giang Lai Châu trồng gần 100 ha tại huyện Phong Thổ và Nậm Nhùn. Năm 2017 toàn tỉnh trồng mới được 540,58ha. Đến nay, toàn tỉnh có trên 810,17ha được trồng ở độ cao từ 600 - 1.200m so với mặt nước biển. Qua đánh giá, đa số diện tích cây mắc ca đều sinh trưởng và phát triển tốt. Với năng suất và sản lượng như thời điểm năm 2016 khoảng 800kg/ha, giá thu mua từ 50-80 nghìn đồng/kg, thu nhập bình quân 1ha trừ chi phí ước đạt 40-50 triệu đồng.
Trước tiềm năng, lợi thế và giá trị của cây mắc ca, UBND tỉnh xác định cây mắc ca sẽ trở thành cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo bền vững của tỉnh. Năm 2017 UBND tỉnh triển khai Đề án phát triển cây mắc ca của tỉnh, với mục tiêu đến năm 2021 toàn tỉnh sẽ trồng 3.600 ha, trong đó có 2.600 ha trồng tập trung và 1000 ha trồng xen trên cây chè. Đồng thời, ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp trồng cây mắc ca. Theo đó, tổ chức hỗ trợ đối với gia đình, cá nhân trồng xen mắc ca vào đồi chè mật độ 100 cây/ha, hỗ trợ 100% giống và hỗ trợ một phần tiền làm đất (mức hỗ trợ 6 triệu đồng/ha); Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm mắc ca trên địa bàn tỉnh: tạo điều kiện thuê đất, hỗ trợ thêm 6 triệu đồng/ha chi phí thuê đất… Riêng năm 2018 theo kết quả kiểm tra, rà soát nhu cầu đăng ký trồng cây mắc ca của các huyện, thành phố, doanh nghiệp toàn tỉnh dự kiến sẽ trồng mới 1.431ha cây mắc ca.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu được nghe các nhà khoa học tư vấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và đầu ra cho sản phẩm cây mắc ca. Đánh giá thực trạng và khả năng phát triển cây mắc ca và định hướng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Cam kết cho vay vốn phát triển mắc ca, gói tiện ích cho vay đầu tư phát triển cây mắc ca của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt...
Trước đó, các đại biểu đã đi tham quan, thực tế tại vườn ươm giống mắc ca của Công ty TNHHMTV Trường Giang ở xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ) và vườn trồng mắc ca Công ty TNHHMTV Khánh Hòa ở Thành phố Lai Châu và xã Bản Hon (huyện Tam Đường)./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế