Ngày 16/3, UBND tỉnh đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 3, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Dự phiên họp còn có các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố…
Trong phiên họp các đại biểu đã thảo luận về 3 nội dung: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh quý I và một số nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2018; thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đề án mở rộng, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Ma Lù Thàng.
Về tình hình kinh tế - xã hội trong quý I, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2018, trong quý I, tình hình kinh tế-xã hội đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh trong quý I vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Sản xuất nông nghiệp còn gặp một số thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại, số gia súc bị chết rét, mắc bệnh tăng 539 con so với quý I/2017; đã có 06 vụ về cháy rừng (trong đó: cháy rừng 04 vụ tại huyện Tân Uyên, diện tích thiệt hại 21,43 ha rừng trồng; cháy cây cao su 01 vụ tại huyện Than Uyên, diện tích thiệt hại 24,42 ha); giá trị xuất khẩu của địa phương giảm 0,95% so với cùng kỳ năm 2017; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tạm ngừng hoạt động; tỷ lệ học sinh bỏ học tuy có giảm nhưng vẫn diễn ra ở các cấp học; an ninh trật tự ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp.
Về báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội, các đại biểu đã tham gia ý kiến: Thời tiết rét đậm, rét hại đã ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản, tuyên truyền người dân để hạn chế tình trạng di cư tự do; chuẩn bị cho công tác trồng rừng, trồng chè, sơn tra; bố trí nguồn vắc xin để các địa phương chủ động trong việc tiêm phòng cho gia súc; bố trí, sắp xếp lại dân cư ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao; đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy rừng...
Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng thành trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh. Những năm qua, Khu KTCK Ma Lù Thàng đã đạt được một số kết quả quan trọng. Để Khu KTCK thực sự trở thành một trọng điểm phát triển của tỉnh; thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh cần có sự mở rộng thêm một số xã biên giới và nội địa vào địa bàn Khu KTCK Ma Lù Thàng là rất cần thiết. Đề án mở rộng Khu KTCK Ma Lù Thàng dự kiến mở rộng sẽ có diện tích là 58.247,8 ha. Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Khu KTCK Ma Lù Thàng mở rộng giai đoạn 2018-2030 khoảng 5.004 tỷ đồng (giá hiện hành).
Việc tập trung xây dựng Khu KTCK Ma Lù Thàng sẽ trở thành trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, phát triển mạnh các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và dịch vụ; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển hàng nông sản địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân trong khu vực, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh...
Các đại biểu đã tham gia ý kiến vào nội dung này: Xem xét kỹ lại việc mở rộng Khu KTCK Ma Lù Thàng gắn với việc đảm bảo an ninh biên giới, vấn đề rào cản ngôn ngữ, giáo dục và tình hình phát triển, định hướng kinh tế cửa khẩu của Trung Quốc; việc phát triển nên theo chiều sâu bao gồm cả các xã, huyện không có đường biên giới; liên kết các doanh nghiệp, vùng để đẩy mạnh việc phát triển Khu KTCK Ma Lù Thàng...
Phát biểu kết luận, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương và ghi nhận những kết quả về tình hình kinh tế-xã hội đã đạt được. Đồng thời, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ đã được giao; khảo sát, chủ động di chuyển những điểm dân cư nằm trong nguy cơ sạt lở cao; sắp xếp lại bộ máy tổ chức hành chính theo đề án vị trí việc làm; Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chăm sóc lúa đông xuân, cây trồng, gia súc, gia cầm, phòng, chống cháy rừng; điều tra làm rõ vụ phá hoại tài sản thể hiện tính răn đe nghiêm khắc; đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng thực hiện theo lộ trình; tăng cường công tác giải ngân, tháo gỡ khó khăn trong công tác xây dựng cơ bản; tích cực cải cách hành chính, thu hút đầu tư; quyết liệt trong việc thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện theo đúng quy định; chuẩn bị tốt công tác diễn tập phòng thủ ba cấp; chú ý tình hình trật tự xã hội; sắp xếp lại dân cư ở khu vực chưa ổn định.
Ngoài ra, tại phiên họp các đại biểu đã nhất nhất trí với Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế