Về dự thảo Đề án phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; quản lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả, đảm bảo quy định của pháp luật diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị dịch vụ môi trường rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển rừng gắn với chế biến và thương mại lâm sản, du lịch sinh thái và từng bước gia tăng giá trị ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp; tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia...
Đối với dự thảo Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 xác định triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Mục tiêu của đề án nhằm khai thác có hiệu quả, hợp lý tiềm năng lợi thế của tỉnh để phát triển một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tạo bước đột phá để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung chuyên canh gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực của tỉnh; thúc đẩy sản xuất nông sản phù hợp với sinh thái, văn hóa của địa phương, tạo ra những sản phẩm đặc sản có lợi thế so sánh để cung cấp hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu... Góp phần nâng cao thu nhập trong Nhân dân, xây dựng nông thôn mới.
Tham gia ý kiến vào dự thảo 2 đề án này, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào bố cục, nội dung đề án cũng như các giải pháp tổ chức thực hiện: Đối với dự thảo đề án phát triển rừng bền vững cần tăng cường công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và diện tích rừng tăng thêm hằng năm.... Đối với Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa cần phải xây dựng được định mức kỹ thuật của đề án; đánh giá rõ những tồn tại, hạn chế sản xuất hàng hóa của tỉnh trong thời gian qua; cần nêu rõ chính sách hỗ trợ đối với từng vùng sản xuất; nên lựa chọn các sản phẩm cho sát với thực tế từng địa phương; tập trung vào các vùng sản xuất sẵn có như chuối (huyện Phong Thổ), chanh leo (huyện Tân Uyên), trên cơ sở đó xác định được quy mô hình thành vùng sản xuất mới…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến tham gia tại buổi làm việc, chỉnh sửa, hoàn thiện 2 đề án trước ngày 5/7 để trình Thường trực UBND tỉnh xem xét./.