Ngay sau khi thành lập, Đảng ta đã thực sự coi trọng lãnh đạo công tác tư tưởng, chính trị - mặt trận quan trọng hàng đầu của cách mạng. Đây là cơ sở để Ban Cổ động và Tuyên truyền Trung ương ra đời, tiền thân của Ban Tuyên giáo ngày nay - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Truyền thống Ngành Tuyên giáo được đánh dấu bằng sự kiện ngày 01-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam cho xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8”. Tài liệu này khi vừa phát hành đã tạo được dư luận rất mạnh trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô-viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc; kể từ đó, trong cả nước nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của Nhân dân ta. Điều này khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tuyên giáo trong quá trình thành lập, trưởng thành cũng như trong công tác lãnh đạo của Đảng.
Trải qua 85 năm, công tác tuyên giáo đã thực hiện nhiệm vụ quan trọng hình thành cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, đề ra những khẩu hiệu hành động đúng lúc và sát hợp với nhiệm vụ chính trị cho từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị của Đảng, Nhà nước thành hành động tự giác của hàng triệu quần chúng, những cao trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đã đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ trung kiên, có đức, có tài, để từ đội ngũ này mà giáo dục, giác ngộ, tập hợp, tổ chức, cổ vũ, động viên quần chúng tiến hành các hoạt động cách mạng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại sự tấn công của các lực lượng thù địch và các phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.
Là một bộ phận hợp thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay sau ngày thành lập 10-10-1949 Đảng bộ Lai Châu luôn quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, trong đó xác định công tác tư tưởng - văn hóa là một lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng bộ. Chính vì vậy, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta bước vào thời kỳ đấu tranh quyết liệt, tháng 5-1952 Ban Cán sự Đảng tỉnh ra Nghị quyết thành lập Liên Ban Tổ chức - Tuyên huấn - Kiểm tra, tích cực thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân, gây dựng cơ sở cách mạng, củng cố chính quyền, phát triển Đảng; đồng thời, cổ vũ, động viên tinh thần đoàn kết, hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường; góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Nhằm phát huy vai trò tham mưu của các bộ phận chuyên môn trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 05-2-1963 Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời ra Quyết nghị số 01-QN/TU về thành lập các ban đảng của Tỉnh ủy gồm: Ban công tác Nông thôn, Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn. Thực hiện công tác tham mưu Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn đã tích cực giáo dục chính trị, tư tưởng và tuyên truyền để Nhân dân các dân tộc nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát huy đoàn kết, chủ động phòng, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tích cực tham gia lao động sản xuất với tinh thần “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến”… góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, đổi mới tư duy, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, ổn định và nâng cao đời sống Nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Đặc biệt, sau khi chia và điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh (năm 2004), trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, công tác tuyên giáo của Đảng bộ luôn là lực lượng đi đầu trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh: Tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giáo dục chính trị, tư tưởng và cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, quyết tâm xây dựng Lai Châu ổn định về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, chủ động nắm bắt, xử lý những tư tưởng mới nảy sinh ngay tại cơ sở và định hướng dư luận, từng bước tạo sự đồng thuận về tư tưởng, thống nhất về ý chí, hành động. Qua đó, góp phần quan trọng trong thành tựu của tỉnh hơn 10 năm qua: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khá; Thu ngân sách trên địa bàn các năm đều vượt kế hoạch; Sản xuất lương thực tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng; Đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh, bình quân 5-7%/năm; tận dụng, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển thuỷ điện, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác di dân tái định cư các dự án thuỷ điện lớn; lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thông tin có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống Nhân dân được cải thiện đáng kể; Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại được tăng cường, mở rộng và đi vào chiều sâu. Lai Châu đã cơ bản ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình trong nước nói chung và Lai Châu nói riêng sẽ còn khó khăn, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, Ðảng và Nhân dân đòi hỏi công tác tư tưởng phải tập trung, phát huy cao độ trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm, khắc phục bằng được những yếu kém, bất cập, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần trực tiếp để tỉnh nhà vượt qua những khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ mới, nỗ lực phấn đấu đưa Lai Châu từng bước phát triển bền vững. Công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh trong tình hình hiện nay cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, Nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, sắc bén, sức thuyết phục cao của công tác tư tưởng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Ðảng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc, đặc biệt chú ý thế hệ trẻ, làm cho toàn Ðảng, toàn dân nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa cấp bách trong thời gian tới; tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, động viên các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực; phát huy tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường, tạo ra phong trào hành động cách mạng thiết thực trong cả hệ thống chính trị, tạo sức mạnh tổng hợp, giúp Lai Châu vượt qua những thách thức, phát triển toàn diện, bền vững. Tập trung chỉ đạo và làm tốt công tác tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; xây dựng, quán triệt, triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp,... tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng bộ và trong xã hội.
Lãnh đạo, cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu các thời kỳ đang sinh sống, công tác trên địa bàn tỉnh chụp ảnh lưu niệm (ảnh: KK)
Hai là, Thường xuyên gắn kết chặt chẽ công tác tư tưởng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại vừa nhằm theo sát các diễn biến nhanh chóng để kịp thời xử lý, giải quyết các tình huống, vừa phải trở thành một thành tố tích cực tác động trực tiếp đến sự phát triển của các lĩnh vực trên. Thực tiễn đòi hỏi công tác tư tưởng không đơn thuần chỉ là hoạt động tuyên truyền đơn giản, công thức, mà cần và phải có mặt trong cả tiến trình sự kiện, phong trào để có tiếng nói, có sức thuyết phục, tác động thực tế đối với tất cả tiến trình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện rộng khắp, có chiều sâu, thiết thực và hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến thực sự trong thực hiện, mà trọng tâm là “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác.
Ba là, Tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tập trung thể chế hóa, cụ thể hóa những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, đưa Nghị quyết thật sự vào cuộc sống. Ðưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả chính trị - kinh tế - xã hội của cuộc vận động. Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản. Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tuyên giáo trong tình hình hiện nay.
Bốn là, Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức công tác tuyên giáo, tập trung dự báo, phát hiện sớm tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, chỉ đạo lý giải, xử lý kịp thời các vấn đề nóng, nhạy cảm. Tăng cường cung cấp thông tin, tổ chức đối thoại, đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống phá Đảng và Nhà nước, các hoạt động lợi dụng tôn giáo tuyên truyền đạo trái pháp luật, kích động di dịch cư tự do, tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông” của các thế lực thù địch. Chú trọng nâng cao hiệu quả, tạo bước phát triển về chất lượng công tác thông tin đối ngoại nhằm phục vụ có hiệu quả cao các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Năm là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo của Đảng bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; triển khai thực hiện việc quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao của công tác tuyên giáo trong tình hình mới. Từng tổ chức đảng, đảng viên trong toàn Đảng bộ phải luôn nêu cao ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị, củng cố, giữ vững trận địa tư tưởng - văn hóa của Đảng, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và Nhân dân.
Trước những đòi hỏi mới của tình hình hiện nay, cần đề cao trách nhiệm của toàn Ðảng đối với công tác tư tưởng; các cấp ủy Đảng phải chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo; cơ quan quản lý Nhà nước các cấp tăng cường mối quan hệ, phối hợp công tác với ban tuyên giáo các cấp trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cán bộ Ngành Tuyên giáo và đông đảo cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.