Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Văn Lương – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử; Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử (UBBC) tỉnh; các đồng chí thành viên UBBC tỉnh; các tiểu ban giúp việc UBBC tỉnh; đại diện lãnh đạo các tổ chức hội, đoàn thể; lãnh đạo thành phố Lai Châu, huyện Tam Đường...
Thời gian quan, Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị, tổ chức triển khai cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu ở các đơn vị bầu cử; tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai để dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng và lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp được giới thiệu ở các cơ quan, đơn vị.... đảm bảo thời gian, tiến độ theo Kế hoạch; Luật và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Công tác tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội, an ninh biên giới và giải quyết khiếu nại tố cáo được tăng cường thực hiện và giữ vững; việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Theo đó, toàn tỉnh đã thành lập 2 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, 13 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 58 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 570 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Đến thời điểm hiện tại, Ủy ban nhân dân cấp xã đã dự kiến 867 khu vực bỏ phiếu. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để lấy ý kiến cử tri. Số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 08 người, ứng cử đại biểu hội đồng nhân tỉnh khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là 84 người, không có người tự ứng cử. Tính đến hết ngày 18/3/2021, có 8/8 huyện, thành phố, 106/106 xã, phường, thị trấn đã tiến hành tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai.
Tỉnh đã thống nhất kế hoạch tổ chức việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ được thực hiện tại 5 khu dân cư thuộc 5 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 4 huyện (Mường Tè, Nậm Nhùn, Tam Đường và thành phố Lai Châu); đối với những người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 tại 50 khu dân cư thuộc 27 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 8 huyện, thành phố...
Thảo luận tại buổi làm việc, các đồng chí trong Đoàn công đề nghị UBBC tỉnh làm rõ thêm một số nội dung và một số nhiệm vụ cần triển khai trong công tác chuẩn bị, nhất là công tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự cho cuộc bầu cử trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận, đánh giá những kết quả trong công tác bầu cử của tỉnh Lai Châu đạt được trong thời gian qua đảm bảo tiến độ và các quy định về công tác bầu cử. Đồng chí đề nghị thời gian tới, Ủy ban bầu cử tỉnh tiếp tục có biện pháp đảm bảo hiệu quả, chất lượng trong công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tập trung vào ý nghĩa cuộc bầu cử, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, tiểu sử của những người ứng cử sau Hội nghị hiệp thương lần hai để Nhân dân nắm được và phục vụ cho Hội nghị cử tri tại khu dân cư. Tiếp tục triển khai phương án, nhiệm vụ cụ thể cho từng địa bàn về đảm bảo an ninh trật tự; quan tâm thực hiện các chính sách, giải quyết tốt các vấn đề còn tồn tại trong Nhân dân, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…
Từ nay cho đến Hội nghị hiệp thương lần 3, cần tổ chức Hội nghị cử tri đảm bảo chất lượng, để cử tri được tham gia, góp ý đối với những người ứng cử và đưa vào danh sách những người thực sự tiêu biểu để Nhân dân lựa chọn bầu vào cơ quan quyền lực của địa phương; quan tâm chỉ đạo công tác rà soát, lập danh sách cử tri, đảm bảo quyền lợi và tránh bỏ sót cử tri; tăng cường hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát của Nhân dân tại cơ sở.../.