Kể từ khi được thành lập ngày 15/10/1930 đến nay,
công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhờ làm tốt công tác dân vận, xây dựng được "thế trận lòng dân" nên trong suốt 91 năm qua, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thu được nhiều thắng lợi, làm nên cuộc
Cách mạng Tháng 8 năm 1945, khai sinh ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; Lãnh đạo Nhân dân tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thu giang sơn về một mối. Trong thời kỳ đổi mới, công tác dân vận tiếp tục được coi trọng và có nhiều đổi mới. Đặc biệt, phong trào thi đua “
Dân vận khéo” đã trở thành hoạt động thường xuyên của hệ thống chính trị; một phong trào vì nhân dân, hướng tới nhân dân.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục có nhiều bổ sung mới về lãnh đạo công tác dân vận. Nghị quyết Đại hội đã đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước; phát huy cao độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xác định cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 30/7/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 23-QĐ/TW về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”. Quy chế quy định rõ công tác dân vận là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị theo phương châm: Đảng lãnh đạo trực tiếp công tác dân vận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thực hiện hiệu quả công tác dân vận. Đồng thời, quy định rõ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đối với công tác dân vận; nêu rõ trách nhiệm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đặc biệt Quy chế đã quy định rõ trách nhiệm của Tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương (Điều 8): Lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận; kịp thời ban hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác dân vận. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương lãnh đạo, định hướng hoạt động đối với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, đơn vị. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám sát đối với hoạt động của cơ quan đảng, nhà nước, cán bộ, đảng viên ở địa phương, đơn vị và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Lãnh đạo, chỉ đạo, phân công người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, giải quyết các vấn đề phức tạp trên địa bàn. Định kỳ giao ban, làm việc giữa thường trực cấp ủy với ban dân vận, chính quyền, lực lượng vũ trang, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội về tình hình nhân dân và công tác dân vận. Kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của ban dân vận, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo thẩm quyền. Phân công đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; chỉ đạo cấp ủy cấp dưới phân công một ủy viên ban thường vụ cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban dân vận. Trường hợp không có ban dân vận thì chỉ đạo phân công một đồng chí cấp ủy phụ trách công tác dân vận. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện công tác dân vận.
Trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với công tác dân vận được quy định tại Điều 14, với 6 nội dung cụ thể, gồm: Xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận. Thực hiện cải cách hành chính; công khai, minh bách chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, nguồn lực nhà nước. Thực hiện các quy định về dân chủ ở cơ sở; tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, những vấn đề bức xúc của nhân dân theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và hoạt động của chính quyền các cấp. Nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân; xử lý tham nhũng, tiêu cực, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân theo thẩm quyền. Phối hợp với ban dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong tham mưu, thực hiện công tác dân vận. Định kỳ có chương trình làm việc với Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp về tình hình nhân dân và công tác dân vận. phân công đồng chí Chủ tịch UBND phụ trách công tác dân vận và chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác dân vận….
Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước nói chung, của tỉnh Lai Châu nói riêng trong tình hình mới, đòi hỏi các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng về dân vận và công tác dân vận; cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận nhằm góp phần khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm, khát vọng vươn lên phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.