Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thị Doan - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội thảo.
Tại điểm cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu, dự Hội nghị có đồng chí Lê Chí Công - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đại diện lãnh đạo Sở, ngành: Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, thể thao và Du lịch; Hội Khuyến học tỉnh...,
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh vai trò của gia đình, dòng họ trong giáo dục truyền thống, xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ mới; dòng họ với việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời thông qua thực hiện các mô hình học tập; quan hệ của dòng họ đối với cộng đồng, làng xã, dân tộc. Gia đình, dòng họ có quan hệ mật thiết với mọi vấn đề của làng, xã, cộng đồng và dân tộc; gia đình mạnh thì làng, xã mạnh, dòng họ mạnh thì đất nước mạnh.
Nhận thức rõ vai trò của gia đình, dòng họ, từ năm 2011 đến nay, Trung ương Hội đề nghị và đã được Chính phủ chấp nhận, giao nhiệm vụ cho Hội thực hiện các mô hình học tập, trong đó, có mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập". Mục đích của việc thực hiện các mô hình này là vận động người dân học tập, học tập suốt đời bồi đắp tri thức, xây dựng xã hội học tập ở nước ta để xây dựng đất nước phát triển toàn diện bằng tri thức. Đây được coi là cách phát triển bền vững nhất.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, mô hình “Dòng họ học tập” đã vượt 16,51% chỉ tiêu đề ra chứng tỏ sự đón nhận và tham gia rất tích cực vào thực hiện mô hình học tập, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đây là điểm mạnh nổi bật trong phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ, coi khuyến học, khuyến tài là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của dòng tộc. Vì vậy, con cháu trong nhiều dòng họ đã phát huy truyền thống tổ tiên, coi trọng sự học và đã thành đạt.
Những kết quả đạt được qua việc thực hiện các mô hình học tập đã thể hiện rõ nét: Gia đình, dòng họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục truyền thống, phát triển toàn diện kinh tế xã hội, văn hóa - giáo dục, an ninh quốc phòng... của địa phương. Mô hình cũng đã được chính quyền các cấp và xã hội đánh giá cao.
Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 72 báo cáo tham luận và 11 đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo. Nội dung các tham luận mang đậm tính lý luận và thực tiễn tập trung vào nội dung phong trào xây dựng các mô hình học tập, đặc biệt là gia đình học tập, dòng họ học tập và mối quan hệ khăng khít giữa các mô hình này với xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao sự phối hợp của Hội Khuyến học Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong tổ chức Hội thảo; đồng thời đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể các cấp, cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tập trung thực hiện có hiệu quả Quyết định 387/QĐ-TTg, ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030"; Quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030"./.