Tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu
Thứ năm - 17/12/2020 20:351.0970
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức, trách nhiệm, phương thức công tác từng bước chuyển biến tích cực, đổi mới và đạt những kết quả rõ nét; đồng bào các dân tộc thiểu số yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, đồng thuận, củng cố niềm tin đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trong 5 năm qua, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 49-CT/TW với 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng công tác lãnh đạo, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy cơ quan, đơn vị; tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm thực hiện chính sách đối với người có công; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn, miền núi; các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chính sách hỗ trợ công tác giáo dục, đào tạo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Chỉ đạo, định hướng nội dung hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Quan tâm triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm. Nhiều chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số triển khai đạt hiệu quả, như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ; Quyết định 2085/QĐ-TTg, Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 38/94 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,8%/năm; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 93,7% thôn, bản có đường ô tô hoặc xe máy đi lại thuận lợi; 100% xã, phường, thị trấn và 95,1 % số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 85,2%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 81%; công tác giáo dục, y tế được quan tâm đạt được nhiều kết quả; văn hóa truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát huy; an ninh chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới; phát huy vai trò là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân; là người đại diện cho lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, đồng thời tiếp nhận những phản ảnh, kiến nghị chính đáng của Nhân dân đến với Đảng, Nhà nước gắn với việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị; tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương. 05 năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 2.901 cuộc giám sát, trong đó: Cấp tỉnh giám sát 49 cuộc, cấp huyện giám sát 425 cuộc, cấp xã giám sát 2.427 cuộc; tập trung vào những vấn đề liên quan đến đời sống của đoàn viên, hội viên và Nhân dân như: Việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, hộ nghèo, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Các lực lượng vũ trang tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương; phối hợp với cấp ủy, chính quyền tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Thực hiện tốt công tác dân vận với nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong vận động tham gia cùng Nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, giúp đỡ Nhân dân phát triển sản xuất, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ổn định đời sống; vận động Nhân dân tích cực phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng, không tàng trữ vận chuyển chất gây cháy nổ, không trồng cây thuốc phiện, không tàng trữ buôn bán, vận chuyển và sử dụng các chất ma túy; đấu tranh tố giác tội phạm; tham gia có hiệu quả phong trào tự quản bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Kịp thời phát hiện và tham mưu cho địa phương ngăn chặn những vấn đề phức tạp nảy sinh tại cơ sở, nhất là các vụ việc liên quan tới an ninh nông thôn. Vận động Nhân dân cung cấp hàng nghìn tin có giá trị phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, quản lý khu vực biên giới.
Cùng với những kết quả tích cực như trên, việc tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có mặt vẫn chưa đáp ứng yêu cầu: Việc phối hợp thực hiện công tác dân vận của các cơ quan trong hệ thống chính trị chưa thường xuyên; công tác tiếp dân, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của chính quyền cơ sở có việc chưa kịp thời. Phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể một số nơi chậm đổi mới; giám sát, phản biện xã hội chưa tích cực, hình thức thông tin tuyên truyền sử dụng tiếng dân tộc thiểu số còn ít. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cơ sở một số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nguyên nhân xuất phát từ nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công tác dân vận chưa thật sự đầy đủ, chưa thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân theo định kỳ. Trách nhiệm công vụ và năng lực, kỹ năng vận động Nhân dân của một số cán bộ, công chức còn hạn chế. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa bàn rộng, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; cơ sở hạ tầng còn thấp kém; trình độ dân trí thấp; đời sống còn nhiều khó khăn. Một bộ phận Nhân dân chưa có ý thức tự lực phấn đầu vươn lên trong sản xuất và đời sống, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tích cực lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật, kích động di cư tự do, chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc, tiềm ẩn mất ổn định chính trị, trật tự xã hội ở một số địa bàn, nhất là ở khu vực vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Để tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng,hiệu quả công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trong tâm: Các cấp uỷ đảng, chính quyền cần phải quán triệt, nắm vững nội dung của Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; xác định công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chú trọng sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành. Quan tâm đẩy mạnh xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt, kịp thời các chủ trương, chế độ chính sách, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Bám sát địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân các dân tộc; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với tâm lý, tình cảm, trình độ nhận thức của từng dân tộc; vận động Nhân dân cảnh giác và tích cực đấu tranh với các âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; tích cực bài trừ các hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong đồng bào các dân tộc. Cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn vững và kinh nghiệm công tác; phát huy tốt vai trò người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế