Lấy ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước
Thứ sáu - 10/08/2018 04:431.5570
Sáng ngày 08/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước nhằm phục vụ cho kỳ họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong tháng 10 tới. Đồng chí Tống Thanh Bình - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đại diện thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp, các huyện Tam Đường, Phong Thổ và thành phố Lai Châu…
Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước gồm 5 chương, 33 điều, khi được thông qua, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Đây là Dự thảo luật quan trọng, phục vụ cho việc bảo vệ bí mật của nhà nước.
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng Dự thảo luật có nội dung ngắn gọn, kết cấu phù hợp. Tuy nhiên nhận thấy nhiều nội dung chưa phù hợp, các đại biểu đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như: Tại Điều 2, cụm từ “nếu”, “có thể” mang tính lưỡng tính, chung chung dẫn đến người nghe nghiên cứu, áp dụng không thống nhất và khó khăn do đó đề xuất thay bằng “việc” và “sẽ”. Cần phải làm rõ khái niệm thế nào là nguy hại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc; thế nào là “mật”, “bí mật”, “tuyệt mật”? Điều 23 quy định “giải mật” nhưng dự thảo chưa làm rõ, do đó cần phải giải thích cụ thể hơn. Tại Điều 24 quy định “điều chính độ mật” nên chuyển sang Điều 2 cho thống nhất.
Trong Dự thảo luật chỉ mới quy định phạm vi, lĩnh vực và thẩm quyền ban hành Danh mục nhà nước. Còn cái gì là bí mật và không phải bí mật thì chưa được quy định cụ thể trong luật. Khi Ban hành danh mục nhà nước kèm theo Luật này, khi đó các cơ quan chức năng dễ thực hiện và nhà nước và Nhân dân dễ theo dõi, liên quan đến quyền công dân.
Tại Điều 11 quy định thẩm quyền ban hành dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cho Thủ tướng Chính phủ, đề nghị giao lại thẩm quyền cho Chính phủ bởi như thế sẽ có sự xem xét toàn diện hơn, đề phòng tính cục bộ trong việc tiếp cận thông tin; phù hợp với dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Khoản 3, Điều 28, mâu thuẫn khoản 4, Điều 11 khiến cho quy định trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chưa hợp lý. Đề nghị viết lại điều 1 vì rất dài nhưng chưa đủ nội dung, phạm vi điều chỉnh phải bao quát được hết các chương trong Luật, đặc biệt là 4 chương cơ bản. Khoản 3 đảo xuống khoản 13 cho liền mạch, phù hợp. Tại Điều 20, điểm d, đ, e, g tương tự điểm d, đ, e nên viện dẫn lại cho đảm bảo cơ cấu điều luật.
Tại khoản 6, Điều 6 quy định: “Trường hợp phát hiện vi phạm trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước thì người quản lý bí mật nhà nước có biện pháp xử lý và báo cáo người có trách nhiệm giải quyết, thông báo cho cơ quan chủ trì xác định bí mật nhà nước biết để có biện pháp khắc phục”, các đại biểu cho rằng, vi phạm trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước có thể xảy ra trong nhiều khâu với nhiều hình thức, mức độ khác nhau (như sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao nhận, tiêu hủy, bảo quản…), nếu quy định như trên sẽ gây khó khăn trong thực tiễn thực hiện Luật vì khi xảy ra vi phạm thì người quản lý bí mật nhà nước phải thông báo cho cơ quan chủ trì xác định bí mật nhà nước biết để có biện pháp khắc phục mà không quy định cụ thể mức độ, tính chất cụ thể của hành vi vi phạm…
Kết luận Hội nghị, Tống Thanh Bình - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh biểu dương tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu trong việc tham gia nhiều ý kiến xác đáng, giúp cho dự thảo Luật được hoàn thiện và chính xác hơn. Đồng thời giao nhiệm vụ cho bộ phận văn phòng tổng hợp (đoàn ĐBQH tỉnh) chuyển các ý kiến tham gia đến cơ quan tham mưu soạn thảo dự thảo luật xem xét, bổ sung./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế