Trong hơn 40 năm công tác, thì có hơn 20 năm tôi công tác trong ngành tuyên giáo. Những ngày đầu vào ngành, mặc dù từ lĩnh vực công tác khác chuyển sang nhưng tôi vẫn thấy bỡ ngỡ, mông lung, bởi chưa biết công tác tuyên giáo là gì, bên cạnh đó một số anh, chị công tác tại các ban Đảng nói về công tác tuyên giáo thì đây là lĩnh vực rất rộng, nhiều lĩnh vực, rất khó, phải biết nói giỏi, viết hay càng làm cho tôi thêm hoang mang, lo lắng, không biết mình có theo được không? có làm tròn vai công tác tuyên giáo được không? Nhưng tôi tự nhủ mình đến với công tác tuyên giáo là tình cờ, ngẫu nhiên nghĩa là nghề đã chọn ta, vì vậy phải trải nghiệm, thử sức lĩnh vực mới, không biết thì phải học.
Để làm quen với công việc mới, được sự giúp đỡ của các đồng chí thủ trưởng cơ quan và các anh, chị đi trước, cùng với sự tích cực chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, qua thời gian tôi đã nhận thức được, làm cán bộ công tác trong ngành tuyên giáo ngoài việc nói hay, việt giỏi, còn phải làm tốt công tác tham mưu, đề xuất trên các lĩnh vực như: Công tác lý luận; tuyên truyền, cổ động; văn hóa - văn nghệ; khoa giáo... Trong quá trình làm quen với công tác tuyên giáo có đồng chí lãnh đạo ban đã nói với tôi, công tác tuyên giáo là một nghề đặc thù, vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Do đó, để “hành” nghề tốt, đòi hỏi cán bộ làm công tác tuyên giáo bên cạnh việc phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, còn phải có kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao và phải có cả nghệ thuật trong quá trình tác nghiệp. Trong đó, 2 kĩ năng cơ bản, đặc thù của cán bộ tuyên giáo đó là “nói” và “viết”, được xem là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ tinh thông nghề nghiệp, là thước đo chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ trong nghề. Từ đó tôi tích cực rèn luyện bản thân trau dồi kiến thức chuyên môn và luyện tập các kỹ năng.
Trong rèn luyện kỹ năng viết, ban đầu tôi đã đọc rất nhiều các văn bản, nhất là các loại hình văn bản khác nhau để làm quen cấu trúc, cách hành văn, bởi vì công tác tuyên giáo chính là công tác tham mưu tổng hợp cho cấp ủy Đảng về những chủ trương, chính sách, đường lối, quan điểm trong công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa - văn nghệ, khoa giáo… nên phạm vi hoạt động rất rộng. Vì thế, cán bộ làm công tác tuyên giáo ngoài việc tham mưu cho lãnh đạo ban chuẩn bị dự thảo các bài nói chuyện, bài phát biểu (khi được phân công), bài viết tuyên truyền trên báo, tạp chí, còn phải tham mưu soạn thảo các văn bản, từ công văn, kế hoạch, quyết định, tờ trình, báo cáo… mà mỗi thể loại văn bản lại có một cấu trúc riêng, cách hành văn khác nhau, viết thế nào cho uyển chuyển, truyền tải thông điệp đến các đối tượng một cách phù hợp, khoa học luôn là đòi hỏi nghiêm khắc đối với những người làm công tác tuyên giáo.
Qua thời gian, được va chạm, rèn rũa, đồng thời cũng được các anh, chị đồng nghiệp truyền đạt, giúp đỡ chỉ dạy, tôi đã dần trưởng thành hơn. Để viết cho sắc tôi rút ra một điều, đó là: cán bộ làm công tác tuyên giáo cần phải ham đọc, ham học hỏi để có kỹ thuật viết, ngoài ra cần phải có kinh nghiệm, vốn kiến thức tương đối rộng, phông văn hóa đa dạng, đa ngành; trước khi viết phải nghiên cứu, xác định rõ đối tượng, chủ đề, nội dung cần viết, từ đó xây dựng đề cương bài viết; phải có cái nhìn toàn diện về hầu hết các lĩnh vực của công tác tuyên giáo, đồng thời tổng hợp cho được những chủ trương, chính sách, đường lối, quan điểm trong công tác chính trị, tư tưởng, để bài viết đảm bảo tính định hướng. Đặc biệt là thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về cách viết “Khi viết cố gắng phải ngắn gọn, song phải có nội dung; tránh lối viết khô khan, kém hoạt bát, không phổ thông...”; tránh viết dài dòng “vòng vo tam quốc”, “dây cà ra dây muống”.
Cùng vói đó, tôi tập trung rèn luyện kỹ năng nói. Làm nghề nên tôi cũng biết đây là lĩnh vực rất khó, bởi trong thực tiễn có người viết rất tốt nhưng khả năng thuyết trình lại hạn chế, bởi họ không hoạt ngôn, không “lợi khẩu”, việc trình bày các ý kiến, ý tưởng trước nhiều người khá khó khăn. Vì vậy, việc rèn luyện kỹ năng nói đòi hỏi phải kiên trì, chụi khó. Qua thời gian được tham gia các lớp tập huấn, được nghe kinh nghiệm và học hỏi từ những người đi trước; nhất là sau khi nghiên cứu, học tập và vận dụng những lời dạy của Bác Hồ về cách tuyên truyền miệng: “Phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được. Chớ dùng những từ lạ, ít người hiểu. Chớ nói ra ngoài, chớ lặp đi, lặp lại. Chớ nói quá một tiếng đồng hồ, vì nói dài thì người ta chán tai, không thích nghe nữa. Muốn tránh những khuyết điểm đó, trước khi nói, phải viết một dàn bài rõ ràng, rồi cứ xem đó mà nói...”, dần dần tôi cũng bắt nhịp được công việc. Trong hoạt động thực tiễn tôi nhận thấy việc tuyên truyền miệng cũng đòi hỏi phải đổi mới liên tục, phù hợp với thực tế từng giai đoạn, thời điểm và đối tượng. Nhớ lại cách đây gần 20 năm về trước đội ngũ báo cáo viên luôn được đề cao, coi trọng khi đi tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng hoặc thông tin thời sự, vì có những thông tin “độc quyền”. Khi đó, chỉ có những người tham gia công tác tuyên truyền miệng mới được tham dự các hội nghị truyền đạt nghị quyết, thông tin thời sự từ Trung ương hoặc cấp ủy cấp trên. Sau khi tổng hợp lại những thông tin từ việc ghi chép, “bóc băng” ghi âm để tuyên truyền dưới cơ sở, vì vậy thông tin mới, hấp dẫn, mọi người chăm chú nghe, ghi chép, làm cho người truyền đạt cũng được động viên, thêm yêu nghề hơn. Tuy nhiên, làm công tác tuyên truyền miệng hiện nay khó khăn hơn nhiều, bởi do tác động của sự bùng nổ thông tin, mạng xã hội phong phú, đa chiều, thông tin được cập nhật từng giây. Người làm công tác tuyên truyền miệng không còn “độc quyền thông tin”, thậm chí có những thông tin nhận được còn chậm hơn mạng xã hội.
Sau thời gian tham gia công tác tuyên truyền miệng tôi nghiệm ra rằng, để có buổi tuyên truyền tốt, người cán bộ tuyên truyền phải xác định được chủ đề và đối tượng người nghe để xây dựng đề cương, soạn bài nói một cách cụ thể, khoa học, tuyền tải tới người nghe những thông tin mới, đa chiều. Muốn có được nhiều thông tin, nhất là thông tin mới, thu hút người nghe, đòi hỏi cán bộ tuyên truyền tiếp tục chụi khó đọc, nghe, xem... Có người đã đúc kết, phải đọc mười mới hiểu một; phải hiểu mười mới nói được một. Nghĩa là, để nói được một ta phải đọc một trăm, đọc rất nhiều tài liệu, thu thập, tổng hợp rất nhiều thông tin. Do đó, không ai hết chính người làm công tác tuyên truyền miệng phải tự mình tích lũy kiến thức, tự “nâng” tri thức của mình lên. Đồng thời, phải rèn luyện nâng cao năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo thông tin; nhất là phương pháp phân tích thông tin, vì khi thông tin được phân tích đâu là đúng, đâu là chưa đúng và được định hướng rõ ràng, thuyết phục… sẽ thu hút người nghe, khắc phục được tình trạng “nhàm chán” khi đưa thông tin đến với người nghe. Trong tuyên truyền cùng với việc chuẩn bị tốt lối diễn đạt dễ nghe, dễ hiểu thì người làm công tác tuyên truyền miệng cần phải thường xuyên gắn với việc viết, thực tiễn cho thấy người nào chụi khó viết nhiều, viết tốt sẽ hỗ trợ cho nói rất tốt. Và một điều quan trọng đối với cán bộ làm công tác tuyên truyền, nhất là báo cáo viên của Đảng cần phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nói theo đúng định hướng.
Ngoài việc rèn luyện viết và nói, cán bộ làm công tác tuyên giáo còn phải nghiên cứu nắm vững các lĩnh vực của ngành như: công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; văn hóa, văn nghệ; khoa giáo... để chủ động tham mưu, đề xuất. Do vậy, làm cán bộ tuyên giáo là phải không ngừng rèn luyện, nâng cao khả năng tư duy tổng hợp, phân tích đánh giá, dự báo và kỹ năng đề xuất. Đồng thời, phải nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, phải am hiểu thực tiễn trên các lĩnh vực hoạt động thực tiễn của mình, nhạy bén với thông tin, biết phân tích, định hướng, sàng lọc để hoàn tốt nhiệm vụ được giao.
Sau hơn 20 năm gắn bó, rèn luyện trong môi trường tuyên giáo đã giúp tôi trưởng thành hơn không chỉ kỹ năng trong nghề (nói và viết), mà cả trong giao tiếp, cách ứng xử, nói năng và tác phong sinh hoạt hằng ngày trở lên mực thước hơn.
Kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống của ngành Tuyên giáo (01/8/1930 - 01/8/2024), với tâm huyết của người hơn 20 năm gắn bó với nghề, xin bày tỏ chút tâm tình về nghề tuyên giáo để các đồng chí cùng suy ngẫm, chia sẻ./.