1. Báo Lai Châu, Đài PT-TH tỉnh, Công thông tin điện tử tỉnh: mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng, số lượng các tin, bài khuyến cáo, hướng dẫn người dân, nhất là những người thường xuyên qua lại bên kia biên giới Trung Quốc thăm thân, làm ăn nhận thức đầy đủ nguy cơ và cách thức phòng ngừa dịch bệnh, tuân thủ các khuyến cáo, biện pháp của cơ quan chức năng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; không lơ là, chủ quan nhưng không được gây hoang mang, lo lắng trong xã hội; chủ động thông báo khi có các dấu hiệu bệnh cho các cơ quan y tế để có biện pháp hỗ trợ, điều trị kịp thời.
Cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác, đầy đủ diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ nguồn chính thức của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền.
Tập trung tuyên truyền phản ánh nỗ lực và quyết tâm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh; củng cố vững chắc niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, hệ thống y tế cộng đồng, y tế cơ sở; đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch trên các trang mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch: chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, phòng văn hóa-thông tin các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với thực tiễn của từng địa phương; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền theo thế mạnh của ngành, nhất là thông tin lưu động, băng zôn, khẩu hiệu... hướng trọng tâm vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới.
3. Sở Thông tin và Truyền thông: chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi, kịp thời ngăn chặn, xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong dư luận xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
4. Sở Y tế: chủ động cung cấp cho các cơ quan báo chí những thông tin liên quan về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội.
5. Ban tuyên giáo (tuyên huấn) các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh: chủ động tham mưu cấp ủy chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, chú trọng vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới; tập trung thời lượng, tần suất tuyên truyền, phổ biến trên đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã, truyền thanh không dây ở cơ sở thông tin khuyến cáo người dân cần hạn chế các hoạt động có nguy cơ gây bệnh (không tổ chức các hoạt động tập trung đông người; đeo khẩu trang khi ra đường; vệ sinh cá nhân thường xuyên...) và dấu hiệu nhận biết khi nhiễm dịch bệnh để thông báo ngay cho cơ sở y tế và chủ động đi khám khi có các triệu chứng bệnh.
Phát huy vai trò của báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội trong việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền miệng và nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là những trường hợp người dân thường xuyên sang bên kia biên giới thăm thân, làm ăn, kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng có biện pháp phòng, chống không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; thường xuyên theo dõi, phát hiện và tuyên truyền, đấu tranh phản bác trước những thông tin sai trái, thù địch lợi dụng tình hình dịch bệnh để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.