Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về chương trình chuyển đổi số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành Tuyên giáo đã gương mẫu, đi đầu trong tuyên truyền, tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây là “khâu đột phá” trong nhiệm vụ chính trị của ngành, thực hiện chuyển đổi số, “tuyên giáo số” trong lãnh đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm AMIS trong quản lý, giao nhiệm vụ, triển khai nhiệm vụ của cơ quan; khuyến khích, động viên cán bộ, công chức tích cực ứng dụng công nghệ thông tin. Kịp thời thông tin về các hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền trên trang Fanpage Cổng thông tin Tuyên giáo Lai Châu; các nhóm zalo, nhất là nhóm zalo cán bộ chủ chốt tuyên giáo... Qua đó, đã tác động tích cực, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, thích ứng với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Cùng cả nước, tổ chức hội nghị “Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” bằng hình thức trực tuyến rộng rãi đến tất cả đảng viên. Toàn tỉnh có 145 điểm cầu với 11.873 đại biểu, trong đó điểm cầu Tỉnh ủy có 400 đại biểu, 14 điểm cầu cấp huyện và tương đương với 2.273 đại biểu, 131 điểm cấp cơ sở với 9.200 đại biểu. Đây là đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết bằng hình thức trực tuyến có số lượng điểm cầu lớn nhất của tỉnh.
Bên cạnh việc học tập, quán triệt bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp, ngành Tuyên giáo đã tích cực sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong tuyên truyền. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đã ứng dụng facebook, mạng xã hội để triển khai các văn bản, đồng thời chia sẻ, lan tỏa những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến. Các hội nghị báo cáo viên tổ chức hằng tháng bằng hình thức trực tuyến đến cơ sở đã cung cấp, định hướng kịp thời thông tin cho cán bộ, đảng viên, toàn tỉnh có 116 điểm cầu trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở thu hút gần 3.000 người tham dự/hội nghị.
Đã chỉ đạo, định hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; chú trọng phát huy ưu thế, hiệu quả tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo (tuyên huấn) các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động của 22 tài khoản facebook, fanpage, kênh youtube... đăng tải, chia sẻ nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền về tỉnh. Nội dung tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; công tác phòng, chống dịch Covid-19; các hiện tượng xã hội thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân phản ánh trên các trang mạng xã hội….qua đó, định hướng, dẫn dắt dư luận theo hướng tích cực phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Năm 2021, đã tham mưu Tỉnh ủy tổng kết Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020” và ban hành Kết luận số 224-KL/TU và Kế hoạch số 61-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tiếp tục triển khai Đề án, trong đó chú trọng chuyển đổi số đối với các cơ quan báo chí. Phát sóng kênh truyền hình LTV lên chuẩn HD và truyền hình số mặt đất; đưa sóng phát thanh lên vệ tinh Vinasat-1; nâng cấp Báo Lai Châu điện tử giai đoạn III; nâng cấp Trang thông tin điện tử của Đài Phát thành - Truyền hình tỉnh; nâng cấp Trang Thông tin điện tử Tỉnh ủy thành Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy trong năm 2022 phấn đấu đạt mức 2 triệu người theo dõi trong đó 1 triệu người truy cập thường xuyên.
Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng việc nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện điều tra xã hội học. Từ năm 2021 đến nay, tổ chức tổ chức 3 đợt khảo sát dư luận xã hội bằng hình thức trực tuyến trên internet về công tác tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19, công tác tiêm chủng vaccine cho chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi... với hơn 10.000 lượt người tham gia. Điều tra dư luận xã hội sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 03/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển rừng bền vững, có 5.037 người tham gia điều tra trực tuyến.
Toàn ngành tích cực chuyển đổi số, hệ thống các văn bản phát hành đã được thực hiện thông suốt trên môi trường điện tử; số hóa tài liệu các hội nghị, hướng tới phòng họp không giấy tờ, đại biểu tham dự đăng nhập bằng mã QR để tra cứu tài liệu. Các nhóm zalo, messenger, mocha được thành lập để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, trao đổi công tác tuyên giáo nhanh chóng, kịp thời. Các tài khoản zalo, fanpage, mocha đã hoạt động thường xuyên, liên tục, hiệu quả, có tác dụng định hướng, dẫn dắt các nội dung tuyên truyền trong từng thời điểm cụ thể, không để nhiễu loạn thông tin gây bất lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, ngành Tuyên giáo đã tham mưu cấp ủy ban hành 1.070 văn bản; trực tiếp ban hành gần 2.000 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện lĩnh vực tuyên giáo. Duy trì hoạt động của Trang thông tin điện tử Tỉnh ủy, thường xuyên đăng tải các tin, bài, infographic, các văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh, kịp thời thông tin tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, thu hút trên trăm nghìn lượt người theo dõi thường xuyên.
Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tuyên giáo, đảm bảo các nội dung thông tin tuyên truyền kịp thời, sâu rộng đến đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Thời gian tới để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động công tác tuyên giáo cần tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số, Kết luận số 224-KL/TU và Kế hoạch số 61-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn, rút ngắn thời gian thực hiện, tiết kiệm các chi phí về văn phòng phẩm, phát hành văn bản. Đẩy mạnh thực hiện các phần mềm quản lý công việc, sử dụng hiệu quả hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy ưu thế của các nền tảng mạng xã hội (facebook, fanpage, zalo, youtube,...) để tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, quản lý điều hành... góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh./.