Hội nghị trực tuyến toàn quốc Ngành Giáo dục năm 2020
Thứ hai - 02/11/2020 23:265890
Ngày 31/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Ngành Giáo dục năm 2020 để tổng kết năm học 2019 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2020; triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và những năm tiếp.
Dự và chỉ đạo Hội nghị điểm cầu Trung ương có đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Dự điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Đinh Trung Tuấn - TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố.
Năm học 2019 - 2020 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; với thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, tác động mạnh mẽ đến hoạt động của Ngành Giáo dục.
Trong năm học 2019 - 2020, Ngành Giáo dục tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để sẵn sàng áp dụng từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; triển khai nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong năm học 2019 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được một số thành tựu quan trọng như đã hoàn thiện khung pháp lý cho đổi mới giáo dục, đặc biệt là ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục năm 2019.
Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực, công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi được duy trì vững chắc. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn được giữ vững, không ngừng nâng cao.
Thi Olympic quốc tế luôn đạt thành tích xuất sắc, luôn trong nhóm các quốc gia có thành tích cao. Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam có 216 lượt thí sinh tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế, đạt 212 giải gồm: 66 Huy chương vàng, 89 Huy chương bạc, 48 Huy chương đồng và 9 Bằng khen.
Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng được tổ chức ngày càng thiết thực, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, khắc phục tình trạng học lệnh, học tủ.
Đặc biệt, năm 2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Song với quyết tâm cao của Ngành Giáo dục, chính quyền các cấp, kỳ thi đã được tổ chức thành 2 đợt phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương, bảo đảm mục tiêu kép là vừa khách quan, công bằng, minh bạch, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, vừa phòng chống dịch hiệu quả, được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị trường học tiếp tục được đầu tư xây dựng, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa…
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, năm học 2020 - 2021, Ngành Giáo dục xác định tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu của kế hoạch đề ra. Trong đó, tập trung thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản, như: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về Giáo dục và Đào tạo; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; nâng cao chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động Giáo dục và Đào tạo…
Tại tỉnh Lai Châu, năm học 2019 - 2020 diễn ra khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến giáo dục. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, Nhân dân và trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, sự cố gắng vươn lên của học sinh, Ngành Giáo dục Lai Châu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra. Mạng lưới giáo dục và quy mô trường lớp tiếp tục ổn định; trong năm học 2019 - 2020 toàn Ngành Giáo dục đã tổ chức sắp xếp giảm 17 trường, giảm 85 bộ máy quản lý trường học, 425 tổ chuyên môn, 87 tổ hành chính, 87 chi bộ, 87 tổ chức công đoàn. Toàn tỉnh có 351 trường, 5.744 lớp, 149.484 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 24,5%, Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,48%, học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,80%, học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 cả hai hệ đạt 61,79%. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục với cấp mầm non đạt 71,09%, tiểu học 53,82%, trung học cơ sở 63,90%, trung học phổ thông 100%...
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến nhằm triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 như rà soát, điều chỉnh lại số lượng giáo viên để phù hợp với thực tế và có sự khác nhau giữa vùng miền, cần xem lại tiêu chí công nhận trường chuẩn quốc gia, nhất là với những trường sau sáp nhập. Đồng thời các đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm tới việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 1 để phù hợp với chương trình, tâm sinh lý học sinh...
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của hơn 1,3 triệu cán bộ, giáo viên trong cả nước, của các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã hội cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo nước nhà. Đồng thời Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, các cấp uỷ đảng, chính quyền phải tập trung cao hơn nữa, giành nhiều sự quan tâm hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ban, ngành quan tâm đến công tác giáo dục. Trong thời gian tới, công tác giáo dục cần phải tiến tới hội nhập quốc tế. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên cho học sinh. Không phải vì cứ tinh giản biên chế mà để các trường thiếu giáo viên. Tiến tới đa dạng giáo dục phổ thông, phải thực hiện bình đẳng trong giáo dục; không để quá nhiều trường chuyên, lớp chọn; bỏ dần việc học nhồi nhét, thụ động, thiếu tính phản biện, tính hình thức, phiền phức trong giáo dục…/.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế