Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thi hành pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (1997-2017)
Hội nghị được Bộ Quốc phòng tổ chức vào sáng ngày 07/12. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị, cùng chủ trì Hội nghị còn có Thượng tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Tại điểm cầu Lai Châu, dự Hội nghị có đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện biên giới và đại diện lãnh đạo các Đồn Biên phòng.
Ngay sau khi Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) được công bố ngày 05/5/1998, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các bộ, ban, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh BĐBP trong toàn quân và đến tổ chức, cán bộ và Nhân dân ở khu vực biên giới.
Trong những năm qua, BĐBP luôn tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, nắm chắc tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vùng biển, tình hình nội, ngoại biên, âm mưu, ý đồ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại đối tượng, tội phạm; quan tâm tổ chức các biện pháp thu thập, xử lý tin trên cả ba lĩnh vực (xâm phạm chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội) và đã thu được 297.775 tin, 10.561 trang tài liệu, hàng trăm vật mang tin phản ánh về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động, động thái mới của các thế lực thù địch, các loại đối tượng.
BĐBP đã tổ chức 24.014 lần/108.063 lượt cán bộ, chiến sĩ BĐBP và công an, dân quân tự vệ tham gia tuần tra bảo vệ biên giới, vùng biển đảo, phát hiện, xử lý, xua đuổi 9.483 lượt tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; phối hợp với chính quyền địa phương ven biển, lực lượng liên quan huy động 689 phương tiện/8.275 nhân lực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển. Quan hệ đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng với chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng được triển khai đồng bộ, thường xuyên cả 4 cấp. BĐBP các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa 177 cụm, bản dân cư hai bên biên giới ở 20/25 tỉnh biên giới đất liền; các Đồn Biên phòng đã tổ chức kết nghĩa 141 cặp/265 đồn, trạm Biên phòng hai Bên biên giới…
Tuy nhiên, việc thi hành Pháp lệnh BĐBP còn những hạn chế như hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về nhiệm vụ công tác biên phòng, về biên giới biển đảo ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao. Một số chủ trương, chính sách, pháp luật về nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng, quẩn lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới biển, đảo triển khai chưa kịp thời, chưa phù hợp với sự phát triển của tình hình…
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc phòng; tiếp tục tổ chức thực hiện Pháp lệnh BĐBP và các văn bản hướng dẫn thi hành; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân…
Tại Lai Châu, BĐBP tỉnh đã nắm chắc tình hình; tổ chức tuần tra, kiểm soát quản lý, bảo vệ biên giới. Đến tháng 12/2008, Lai Châu là tỉnh thứ 2 hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch nghiệp vụ, phương án đảm bảo an ninh, trật tự ở các địa bàn. BĐBP đã phối hợp với các ngành, các lực lượng chức năng tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, duy trì thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc phòng, cửa khẩu; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh trong quản lý, xây dựng, bảo vệ biên giới và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới vững mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận kết quả các địa phương, đơn vị đã đạt được sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ tốt biên giới quốc gia; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về công tác bảo vệ biên giới quốc gia. Bộ Quốc phòng triển khai tốt các biện pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận an ninh Nhân dân vững chắc; khẩn trương rà soát Pháp lệnh BĐBP, các văn bản có liên quan để Chính phủ báo cáo với Quốc hội sớm cho xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia gắn với phát triển kinh tế - xã hội, cùng với đó là xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, địa phương vững mạnh; phát động phong trào toàn dân tham gia phối hợp với BĐBP trong quản lý bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới…
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tưởng Chính phủ xét tặng Bặng khen cho 20 tập thể, cá nhân; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen cho 54 tập thể, cá nhân; Tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen cho cho 179 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành Pháp lệnh BĐBP giai đoạn 1997-2017. Ngoài ra, Tư lệnh BĐBP tặng kỷ niệm chương cho 71 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia./.