Tại Hội thảo, đại diện tổ chức CWS báo cáo nhanh kết quả thực hiện Dự án tại huyện Than Uyên. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, dự án đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường. Qua đó đã làm thay đổi nhận thức, tư duy của Nhân dân về vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ, cải thiện nhanh tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, củng cố tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Hiện các hoạt động của dự án đã được triển khai tại 72/84 bản thuộc 7 xã trong huyện. Đã thực hiện trên 2.100 nhà tiêu hợp vệ sinh và đã có 30 bản đạt tiêu chí “bản có 100% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh”; 179 hộ làm hố thu gom phân gia súc, gia cầm; 212 hộ thực hiện xử lý phân bằng men vi sinh; Nhân dân các xã đã làm được gần 50 nghìn viên gạch sinh thái từ vỏ chai nhựa và giấy nilon để xây dựng các công trình như tường bao nhà văn hoá, bàn ghế, cổng chào, tủ tài liệu, kệ ti vi…
Để nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo. Các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động; các bước tiến hành thực hiện dự án ở thôn bản; phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng và bảo quản các công trình vệ sinh…
Tại Hội thảo, đoàn công tác của 2 huyện Ngân Sơn và Thạch An đã cảm ơn những chia sẻ của huyện Than Uyên trong thực hiện các dự án trong hợp phần vệ sinh môi trường. Những kinh nghiệm, cách làm hay của huyện Than Uyên sẽ được 2 huyện tiếp thu, vận dụng, triển khai trên địa bàn. Từ đó nâng cao nhận thức của Nhân dân và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Quang Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Quản lý dự án CWS huyện Than Uyên mong rằng 3 huyện sẽ tiếp tục trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả để nâng cao chất lượng các chương trình, dự án. Góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Trước đó, đoàn công tác của 2 huyện Ngân Sơn, Thạch An đã đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại bản Nậm Sáng xã Phúc Than./.