Tham gia đánh giá đợt này, toàn huyện có 8 sản phẩm của 3 chủ thể. Gồm: Trà Shan tuyết Than Uyên (Công ty Cổ phần Trà Than Uyên); ổi Quang Lê, bưởi Quang Lê, na Quang Lê (Hợp tác xã Phan Vinh); gạo nếp khẩu hốc, gạo nếp tan Co Giàng, gạo khẩu ký (Hợp tác xã Công nghệ và Môi trường). Đây đều là những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện, được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, chất lượng và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong các khâu.
Việc đánh giá, phân hạng được thành viên Hội đồng đánh giá của huyện tập trung thảo luận, đánh giá các tiêu chí: bao bì; quy trình chế biến; nhãn hiệu; địa chỉ; logo; thị trường tiêu thụ và chấm điểm cho sản phẩm.
Kết quả, 7/8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 và 4 sao; trong đó trà Shan tuyết Than Uyên xếp hạng 4 sao. Sau xếp hạng tại huyện, các sản phẩm tiếp tục được chủ thể gửi hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Phát biểu tại buổi đánh giá, phân hạng, đồng chí Lê Thanh Huy - HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Chương trình OCOP chính là động lực để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, cần triển khai từng bước, đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả; sản phẩm tham gia đánh giá đã được thị trường chấp nhận nhưng các chủ thể cần tiếp tục cải tiến mẫu mã bao bì, nhãn hàng hóa; quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm; xây dựng sản phẩm, phương thức tiếp thị sản phẩm; kế hoạch kinh doanh, nâng cao chất lượng. Đồng thời áp dụng những giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất để mở rộng quy mô, thị trường tiêu thụ hướng đến xuất khẩu. Đối với cơ sở sản xuất tiếp tục hoàn thiện hồ sơ chuyển Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh để chuẩn bị cho đợt đánh giá, phân hạng cấp tỉnh thời gian tới./.