Mường Tè là huyện biên giới, nằm phía Tây Bắc của tỉnh Lai Châu có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 130,292 km. Tổng diện tích tự nhiên là 267.848,05 ha; tổng diện tích rừng 177.058,08 ha, trong đó: rừng tự nhiên 176.800,59 ha; rừng trồng 257,49 ha; tỷ lệ che phủ đạt 66,24%, có nhiều lợi thế để phát triển các cây dược liệu quý dưới tán rừng.
Nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của rừng, ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 59-KH/HU, ngày 20/5/2021 thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 31/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển Sâm Lai Châu và một số cây dược liệu quý, giai đoạn 2023 -2025 và định hướng đến năm 2030;... Ủy ban nhân dân huyện và các ban, ngành liên quan đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt công tác bảo vệ, phát triển rừng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng...
Công tác tuyên truyền được chú trọng, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách về bảo vệ rừng phát triển rừng tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn biết và thực hiện. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, tổ chức tuyên truyền, quán triệt 727 buổi với 61.951 người tham gia; gắn với nội dung sinh hoạt đoàn thể của các cơ quan, đơn vị, thông qua hoạt động tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở.
Cùng với đó, hằng năm lực lượng kiểm lâm địa bàn các xã, thị trấn đã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền cho Nhân dân nắm được những quy định của pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; đồng thời thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng giữa UBND cấp xã với cá nhân và hộ gia đình để nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, hộ gia đình trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng 568 lượt với 33.797 hộ gia đình ký cam kết; tuần tra, kiểm tra rừng 250 lượt với 1.363 người tham gia...
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp ủy, chính quyền, các ngành quan tâm triển khai liên tục, đúng quy định, diện tích trồng mới rừng được chỉ đạo sát sao, đúng kỹ thuật, thời vụ. Từ năm 2020 đến nay bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện trồng 2.297,43 ha rừng kinh tế, trong đó diện tích cây quế 1.463,92 ha, mắc ca 540,68 ha; diện tích trồng rừng phòng hộ 71,4 ha, trồng cây gỗ lớn 221,43 ha.
Triển khai đồng bộ quy hoạch phát triển cây dược liệu dưới tán rừng với mục đích bảo vệ rừng và đem lại thu nhập cho người dân giúp giảm nghèo bền vững. Hiện nay, huyện đang tập trung vào việc phát triển Sâm Lai Châu và một số cây dược liệu quý dưới tán rừng. Đến nay, đã trồng được 10,1 ha Sâm Lai Châu và 5 ha cây thất diệp nhất chi hoa. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ có 50 ha cây Sâm Lai Châu và 200 ha cây dược liệu quý khác. Ngoài ra, còn thực hiện trồng một số loài cây dược liệu có giá trị khác như cỏ thơm 200 ha, quả đỏ 50 ha, thảo quả 2.100 ha, sa nhân tím 1.517 ha đã và đang cho thu hoạch với giá bán từ 55.000-60.000 đ/kg tươi mang lại thu nhập cao cho bà con nhân dân....
Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường được triển khai thực hiện kịp thời. Thực hiện tốt công tác khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2020 đến năm 2022 đã tổ chức khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích 520.454,86 lượt ha, tổng số tiền chi trả 522.995,092 triệu đồng. Năm 2023 khoán diện tích 177.733,90 ha, tổng số tiền dự kiến chi trả 191,537 triệu đồng góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống; nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế; nhận thức về công tác bảo vệ và phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa đầy đủ; việc huy động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển rừng còn chưa nhiều, nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng từ các chương trình, dự án chưa tương xứng; chưa phát huy hết được tiềm năng thế mạnh của địa phương trong việc phát triển các cây dược liệu quý để trở thành vùng hàng hóa tập trung.
Thời gian tới, để phấn đấu nâng độ che phủ rừng đạt và vượt chỉ tiêu 68,48% trở lên vào năm 2025 và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo vệ rừng, phát triển rừng bền vững gắn với việc phát triển kinh tế dưới tán rừng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế dưới tán rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan. Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, công khai, minh bạch. Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hiệu quả kinh phí môi trường rừng đầu tư phát triển kinh tế dưới tán rừng. Chú trọng phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như Sâm Lai Châu, Thất diệp nhất chi hoa, Thảo quả, Sa nhân tím,... Lồng ghép các dự án phát triển lâm nghiệp với các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn để bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế rừng. Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển kinh tế dưới tán rừng; giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thuỷ điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch… Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế rừng góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của huyện./.