Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi; lực lượng lao động dồi dào trên 4.000 người, có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, để tận dụng tối đa nguồn lao động tại chỗ, diện tích đất sản xuất lớn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định chương trình trọng điểm“Phát triển sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng tập trung hàng hóa”, phấn đấu nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng. Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/ĐU, ngày 17/4/2020 về “Phát triển sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng tập trung hàng hóa trên địa bàn xã Pắc Ta giai đoạn 2020 - 2025” để cụ thể hóa việc thực hiện, đồng thời lãnh đạo HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể, các chi bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch, xác định phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng bản; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã để quyết liệt triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp để hướng dẫn nhân dân thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Hằng năm, xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu cho các bản thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát huy thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý hình thành sự liên kết giữa các hộ dân, từng bước chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao theo hình thức tập trung, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của nhân dân, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Pắc Ta đã bước đầu hình thành các khu, điểm sản xuất nông sản hàng hóa theo đúng định hướng, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát triển diện tích nhà màng, ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm giá trị cao, diện tích nhà màng đã xây dựng đưa vào sản xuất khoảng 10.000 m2.
Bước đầu đã phát triển và duy trì vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung trên 500 ha với cơ cấu giống Nếp Cò Giàng, Séng Cù, Tẻ Dâu (Nếp Co giàng 150 ha; Tẻ dâu, Séng Cù 280 ha). Hình thành vùng trồng lúa nếp làm cốm 5 ha, gắn với các hoạt động quảng bá sản phẩm, thu hút doanh nghiệp liên kết chặt chẽ các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Nhân dân đã liên kết sản xuất với HTX Công nghệ và Môi trường Tân Uyên, có 2 sản phẩm OCOP 3 sao từ các sản phẩm gạo trên địa bàn. Phát triển vùng chè 662 ha, trong đó chè kinh doanh 576,5 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 3.000 tấn, tăng theo từng năm; cây chè được người dân chăm sóc, thâm canh theo tiêu chuẩn an toàn -VietGAP. Sản phẩm chè búp tươi được doanh nghiệp thu mua theo đúng hợp đồng liên kết sản xuất, giá thu mua cao hơn từ 500 đến 1.000 đồng so với giá thu mua chung.
Đã liên kết với doanh nghiệp hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung, tổng diện tích cây ăn quả hiện có là 130 ha chủ yếu chuối, xoài, chanh leo, mít và một số cây trồng khác; diện tích rau màu (như ớt, bí xanh, khoai tây, dưa chuột...) 80 ha, sản lượng 680 tấn/năm.
Chăn nuôi chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đàn trâu 2.114 con; đàn bò 645 con, đàn lợn 9.410 con, dê 870 con, ngựa 10 con. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, 10 cơ sở chăn nuôi tập trung chấp hành kiểm soát tốt dịch bệnh, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.
Trong nông nghiệp đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phối hợp liên danh, liên kết với các doanh nghiệp, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện, địa bàn xã có 3 công ty, 01 HTX hoạt động và phát triển tốt (Công ty TNHH Nông nghiệp Lai Châu - Trại lợn Cang A; Công ty Trọng nghĩa, Công ty trà Hồng Đức, HTX Việt Hoàng). Thành lập 05 tổ hợp tác (3 tổ hợp tác trồng chè, 02 tổ hợp tác trồng ớt). Các tổ hợp tác sản xuất hoạt động tương đối hiệu quả, đảm bảo đúng quy định.
Từ việc đẩy mạnh phát triển sản xuất góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, đến nay tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới; tập trung xây dựng bản nông thôn mới nâng cao tại Nà Ún, Tân Bắc. Bình quân thu nhập đầu người tăng qua các năm, năm 2022 đạt 43 triệu đồng, năm 2023 đạt 47 triệu đồng, năm 2024 đạt 51 triệu đồng (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra); phấn đấu năm 2025 đạt 52 triệu đồng.
Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2024 đạt 5.140 tấn. Doanh thu từ sản xuất lúa hàng hóa đạt trên 50 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới 100%, nước hợp vệ sinh 100%. Tỷ lệ hộ gia đình văn hoá đạt trên 90%; Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ. 02 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Giữ vững tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 3/3 đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%; năm 2024 có 03 lao động đi xuất khẩu lao động; Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở; công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; các chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội.
Thời gian tới, để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, trở thành ngành kinh tế trọng điểm cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các điển hình về làm kinh tế giỏi, nhân rộng các điển hình cho người dân học tập và làm theo. Lồng ghép các nguồn vốn của tỉnh và của huyện và các ngành đoàn thể, các chương trình dự án; huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân. Đưa các giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất đảm bảo điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác và khả năng đầu tư, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Khuyến khích chuyển đổi các diện tích đất hoang hóa, đất canh tác kém hiệu quả, đất ruộng 01 vụ sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế hoặc chăn nuôi nâng cao hệ số sử dụng đất. Đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng từ cung cấp đầu vào - tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân và tổ chức đại diện của nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của xã, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.