Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới có diện tích tự nhiên là 152.245,18 ha. Huyện có 22 xã, thị trấn, trong đó có 17 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 1 xã biên giới. Dân số 86.819 người với 17.163 hộ và 14 dân tộc sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95% dân số (dân tộc Mông chiếm 34,82%; dân tộc Thái chiếm 29,29%; dân tộc Dao chiếm 22,08%; dân tộc Kinh chiếm 4,9%; các dân tộc khác chiếm 8,91%). Giai đoạn 2016 - 2021, toàn huyện có 725 cặp tảo hôn, độ tuổi tảo hôn của nữ giới là từ 13 đến dưới 18 tuổi, nam giới là từ 15 đến dưới 20 tuổi; trong đó tỷ lệ tảo hôn ở nữ giới cao hơn nam giới, tập trung vào một số dân tộc thiểu số. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn xảy ra làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số và sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Xác định nhiệm vụ giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng công tác dân số sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đảng bộ huyện Sìn Hồ đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác dân số, xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; cụ thể hóa Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 06/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, đảng đối với việc giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/HU, ngày 24/6/2022 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2022 - 2025. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là các đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ công tác dân số trên các mặt quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, phù hợp yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới sát thực với đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị.
Hằng năm UBND huyện, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các chỉ tiêu về công tác dân số phù hợp với thực tế ở từng đơn vị, từng ngành, địa phương. Thực hiện có hiệu quả các chương trình lồng ghép về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) với chương trình phát triển kinh tế - xã hội; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát, điều tra, thống kê, đánh giá tình hình thực hiện chính sách DS-KHHGĐ để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện, đề xuất những giải pháp hữu hiệu tiếp tục thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn tiếp theo.
Các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số. Hằng năm, xây dựng kế hoạch chỉ đạo, phối hợp với trạm y tế các xã, thị trấn tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về chính sách dân số, tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, các vấn đề về kế hoạch hóa gia đình. Nội dung truyền thông tập trung chủ yếu về nâng cao việc thực thi chính sách, pháp luật về dân số; nâng cao chất lượng dân số; thực hiện giảm sinh, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; dân số với các vấn đề phát triển của địa phương (lao động, việc làm, an sinh xã) duy trì mức sinh hợp lý; tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phối hợp với nội dung về công tác dân số trong tình hình mới. Tổ chức một số buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe vị thành niên, giáo dục giới tính tại các trường THPT Nậm Tăm, trường THPT - DTNT Sìn Hồ; lồng ghép các hoạt động truyền thông về sức khỏe sinh sản, tình trạng sinh con thứ 3, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong các buổi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào có đạo, sinh hoạt bản, đoàn thể.
Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân số trên địa bàn huyện. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đồng thời áp dụng các biện pháp, chế tài đủ mạnh xử lý việc lựa chọn giới tính thai nhi. Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội; xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của xã hội về chăm sóc người cao tuổi. Tích cực xây dựng môi trường thân thiện để người cao tuổi sống khỏe sống có ích. Trên 75% số người cao tuổi hằng năm được khám và tư vấn về sức khỏe.
Thực hiện có hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người, trên địa bàn huyện hiện nay có 2 dân tộc dân số dưới 10.000 người gồm dân tộc Mảng, Lự tại 4 xã Pa Tần, Lùng Thàng, Ma Quai, Nậm Tăm. Trong giai đoạn 2018-2020 đã tổ chức 4 hội nghị tập huấn tại 4 xã cho đội ngũ chủ chốt các bản về kỹ năng truyền thông vận động các nhóm dân tộc thiểu số rất ít người về thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước với tổng số 200 người tham gia. Thực hiện tốt Quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con.
Quan tâm củng cố kiện toàn tổ chức, bộ máy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Trung tâm DS-KHHGĐ được sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện theo Quyết định của UBND tỉnh Lai Châu, đổi tên thành Phòng DS-KHHGĐ trực thuộc Trung tâm Y tế với 4 viên chức; hiện nay, 22/22 xã, thị trấn có đội ngũ tuyên truyền viên dân số; 98% bản, tổ dân phố có y tế bản kiêm cộng tác viên dân số; 13/22 xã, thị trấn có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 100 các cơ sở y tế triển khai thực hiện các dịch vụ DS-KHHGĐ, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ được thành lập từ huyện đến xã và duy trì các hoạt động thường xuyên. Đội ngũ cán bộ dân số các cấp của huyện được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận, đáp ứng yêu cầu. Hằng năm được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ do các cấp tổ chức.
Nhờ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đến nay công tác dân số của huyện đạt những kết quả quan trọng. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 78%. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 78%. Số cặp tảo hôn bình quân 5 năm là 31,6 chỉ tiêu đề ra giảm (50%); tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 3 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến là 56%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 3 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất là 78%. Tuổi thọ bình quân đạt 70 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 64 năm. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người như dân tộc Mảng, Lự.
Tuy nhiên, công tác dân số của huyện Sìn Hồ vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa có các giải pháp hiệu quả, cụ thể trong việc giảm tình trạng sinh con thứ ba trở lên, ngăn chặn dứt điểm tình trạng tảo hôn và hôn nhan cận huyết; vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền ở một số xã chưa thật sự mạnh mẽ, thiếu kiên quyết; ý thức chấp hành pháp luật về dân số của một số cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa cao; công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chính sách dân số, Luật hôn nhân và gia đình tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa được thường xuyên; ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống một bộ phận người dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách dân số trong tình hình mới, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy xác định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả các văn bản của Trung ương và địa phương như: Nghị quyết số 21-NQ/TW, Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2022 - 2025. Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách dân số, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, lực lượng làm tuyên truyền ở cơ sở, vai trò của bí thư chi bộ, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền về dân số. Phát huy vài trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách dân số; đưa các chỉ tiêu thực hiện chính sách dân số vào hương ước, quy ước của cộng đồng, là tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại gia đình, khu, bản văn hóa hằng năm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời biểu dương các đơn vị thực hiện tốt đồng thời chấn chỉnh, phê bình các đơn vị chưa thực hiện hiệu quả chính sách dân số trên địa bàn./.