Tam Đường chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch

Thứ ba - 29/08/2023 09:18 1.090 0
Sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường đã nỗ lực triển khai thực hiện đem lại nhiều kết quả tích cực.
Văn hóa dân tộc Lự ở bản Thẳm, xã Bản Hon thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, du lịch
Văn hóa dân tộc Lự ở bản Thẳm, xã Bản Hon thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, du lịch
Tam Đường là huyện cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh, với đặc thù là huyện miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có nhiều phong tục tập quán đặc sắc riêng được lưu giữ và bảo tồn; có cảnh quan thiên nhiên đẹp; khí hậu trong lành, mát mẻ, có nhiều dãy núi cao Pu Ta Leng, Tả Liên Sơn, Ngũ Chỉ Sơn; có mạng lưới hang động lớn nhỏ trong lòng các dãy núi như động Tiên Sơn, động Đông Pao, động Hủm Xanh; cùng nhiều thác nước Cầu Mây, Tác Tình... là tiền đề thuận lợi cho việc phát triển du lịch khám phá và du lịch thể thao mạo hiểm gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Công tác tuyên truyền quán triệt Nghị quyết, các chủ trương, chính sách về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch được quan tâm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Chú trọng tuyên truyền trên hệ thống truyền thông đại chúng, pa nô, băng zôn, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền; đảng ủy các xã, thị trấn, MTTQ và các đoàn thể huyện, cơ sở lồng ghép tổ chức 18 hội nghị, 158 buổi sinh hoạt chi bộ, 663 buổi sinh hoạt MTTQ, các đoàn thể, với 18.856 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, Nhân dân tham gia... Qua đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất cao của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng thuận của người dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện.

Việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được quan tâm thực hiện. Tiếp tục duy trì, phát triển 4 nghề thủ công truyền thống: nghề dệt dân tộc Lự xã Bản Hon, mây tre đan tại Bản Giang, Hồ Thầu, Tả Lèng, nghề rèn dân tộc Mông tại Khun Há, Tả Lèng, Nghề làm mũ từ lông đuôi ngựa dân tộc Dao tại Hồ Thầu.

Duy trì thường xuyên 7 lễ hội truyền thống thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm như: Lễ hội Xòe Chiêng dân tộc Thái tại Bản Bo; Lễ hội Nhảy lửa, Tủ Cải dân tộc Dao xã Hồ Thầu; Hội Động Tiên Sơn xã Bình Lư; Lễ hội Bun Vốc Nặm dân tộc Lào, xã Nà Tăm; lễ hội Căm Nung, Căm Mương dân tộc Lự tại xã Bản Hon. Duy trì hoạt động các câu lạc bộ Khèn Mông tại các xã; thành lập 6 câu lạc bộ văn nghệ dân gian truyền thống của 6 dân tộc (Mông, Thái, Dao, Lào, Lự, Giáy). Đẩy mạnh hoạt động của các đội văn nghệ truyền thống thôn, bản. Hỗ trợ 08 đội văn nghệ quần chúng tiêu biểu theo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, huyện có 128 đội văn nghệ thôn bản hoạt động thường xuyên góp phần gìn giữ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc.

Việc xây dựng và hình thành các điểm có đặc trưng về văn hóa dân tộc để tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng, phát triển thành các sản phẩm du lịch quảng bá đến du khách được chú trọng. Các xã, thị trấn, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện khảo sát hiện trạng, đánh giá, lên phương án xây dựng mới các điểm du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng các mô hình homestay. Kết quả, đến nay huyện có 15 mô hình (Bản Thẳm có 5 mô hình; Sì Thâu Chải có 5 mô hình; Lao Chải 1 có 5 mô hình); dự kiến đến hết năm 2023 hỗ trợ xây dựng mới thêm 3 mô hình tại bản Chu Va 6 - xã Sơn Bình, 6 mô hình tại bản Thèn Pả - xã Tả Lèng đi vào hoạt động chính thức góp phần thu hút khách du lịch đến thăm quan trải nghiệm tại các địa phương. Chính vì vậy, số lượt khách du lịch đến với huyện ngày càng tăng, tổng lượt khách du lịch đạt 280.000 lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch 102,7 tỷ đồng.

Công tác quản lý, khai thác loại hình du lịch thể thao mạo hiểm dù lượn, nâng cao chất lượng hoạt động bay tại điểm dù lượn Sì Thâu Chải được quan tâm. Đã tổ chức 2 cuộc thi dù lượn mở rộng thu hút hàng trăm phi công trong nước và quốc tế tham gia quảng bá du lịch của huyện. Hiện đã xây dựng được 1 Câu lạc bộ thể thao dù lượn cơ sở do xã Hồ Thầu thành lập. Xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận mới 3 di tích danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn cấp tỉnh: Đồi chè cổ thụ; Đỉnh Pu Ta Leng; Động Bản Giang. Tiếp tục quản lý, khai thác hiệu quả loại hình du lịch khám phá tại các đỉnh: Pu Ta Leng, Tả Liên Sơn...  

Việc quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển các điểm du lịch được chú trọng; kết hợp các nguồn vốn đầu tư mở rộng nâng cấp các tuyến đường du lịch tại Lao Chải 1, Sì Thâu Chải, Nà Khương; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch. Thành lập đoàn khảo sát dự án leo núi tại Putaleng, Tả Liên Sơn, Ngũ Chỉ Sơn; khảo sát, đầu tư dự án Động Tiên Sơn và các điểm check in đèo Hoàng Liên Sơn. Đến nay, toàn huyện có 23 doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu, đề xuất ý tưởng phát triển du lịch trên địa bàn huyện, trong đó có 1 dự án đã tiến hành đầu tư (dự án homestay tại Thèn Pả xã Tả Lèng của công ty Archi).

Công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được quan tâm. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ kế hoạch tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh phối hợp với các xã, thị trấn cử các học viên tại các điểm bản du lịch tham gia các lớp tập huấn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đã tổ chức được 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đặc sắc các dân tộc cho 286 lượt người là công chức huyện, xã, các hộ gia đình tham gia; tổ chức đoàn khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa và huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; cử các đoàn nghệ nhân tham gia quảng bá nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc Lào, dân tộc Lự, dân tộc Kháng tại Ngày hội văn hóa Lai Châu tại Hà Nội, Sa Pa, Đà Nẵng, … góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện.
 
Tuy nhiên, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp có mặt còn hạn chế; sản phẩm du lịch còn ít, đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu.

Thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo tồn văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đề cao vai trò của cấp ủy các cấp trong triển khai thực hiện. Hoàn thiện hệ thống quy hoạch, chiến lược phát triển các điểm du lịch; đẩy mạnh công tác phát triển du lịch theo hướng nhanh, mạnh, bền vững. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; đồng thời lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án, các cuộc vận động khác; thu hút, mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu đặc sắc văn hóa các dân tộc, phát huy vai trò của công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền. Chú trọng các hoạt động liên kết, hợp tác trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và phát triển du lịch. Quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ nhất là ở cơ sở./.
 

Tác giả: Hồng Phượng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số: 47/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

lượt xem: 5191 | lượt tải:108

Số: 46/2024/TT-BTC

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

lượt xem: 4850 | lượt tải:112

Số: 72/2024/NĐ-CP

Nghị định Quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội

lượt xem: 5836 | lượt tải:161

Số: 43/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh

lượt xem: 5783 | lượt tải:126

Số: 54/2024/NĐ-CP

Nghị dịnh Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

lượt xem: 7012 | lượt tải:259
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập70
  • Hôm nay16,000
  • Tháng hiện tại580,483
  • Tháng trước668,260
  • Tổng lượt truy cập34,972,569
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down