Tam Đường: hội thảo tiềm năng, định hướng phát triển nông nghiệp
Thứ bảy - 23/03/2019 20:319840
Trong 02 ngày (21-22/3), UBND huyện Tam Đường tổ chức Hội thảo "Giới thiệu tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển nông nghiệp huyện Tam Đường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Dự hội thảo có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành huyện và các xã, thị trấn; các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài huyện.
Báo cáo đề dẫn hội thảo đã chỉ ra những thuận lợi và khó khăn, khẳng định những lợi thế và tiềm năng của huyện trong việc phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ sản phẩm nhằm hình thành một chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị gia tăng cao và bền vững, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Theo đó, trong những năm qua, huyện đã quan tâm đầu tư, có nhiều đề án, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung với một số cây trồng chủ lực (cây lúa ở Bình Lư, Thèn Sin, thị trấn; cây chè ở Bản Bo, Nà Tăm, Sơn Bình; cây ăn quả ôn đới ở Giang Ma, Hồ Thầu; cây cam ở Bản Hon, Bản Giang…); đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ như: miến dong ở Bình Lư, chè ở Tam Đường… Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế như: phương thức sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; hoạt động kinh tế hợp tác chưa cao; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị còn ít và chưa hiệu quả; hàng hóa chất lượng cao chưa nhiều, việc gắn kết sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm chưa phổ biến.
Tại hội thảo, đại diện một số công ty, doanh nghiệp đã chia sẻ và giới thiệu về mô hình phát triển các sản phẩm nông nghiệp của đơn vị như: Công ty cổ phần đá quý Ngọc Phát (thành phố Hồ Chí Minh) giới thiệu về nhân giống trồng cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã Khun Há; Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh (Mộc Châu-Sơn La) với mô hình trồng cây ăn quả... Nhiều ý kiến, kiến nghị của các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ trang trại, hợp tác xã cũng đã được giải đáp, nhất là việc vay vốn, thành lập văn phòng đại diện, tiêu thụ sản phẩm… Cũng tại hội thảo đã thực hiện việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND huyện với các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Từ Hữu Hà - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhận định tiềm năng của huyện trong việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ sản phẩm, phát triển du lịch là vô cùng lớn; cần có sự liên kết chặt chẽ, giữa các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các nhà khoa học để đưa ra kế hoạch cụ thể trong việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý và giới thiệu quảng bá sản phẩm gắn liền với văn hóa, du lịch sinh thái; thu hút, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ thực hiện các mô hình nòng cốt liên kết theo chuỗi giá trị, có thị trường ổn định, từng bước mở rộng phạm vi, quy mô các chuỗi liên kết một cách hiệu quả, bền vững…./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế