Nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 22/02/2021 về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 29-KH/ThU, ngày 21/5/2021 về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; UBND thành phố ban hành các văn bản cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng sản phẩm OCOP đặc sản địa phương; các xã, phường căn cứ chức năng, nhiệm vụ ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện đảm bảo thiết thực, phù hợp.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức được chú trọng, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn biết và thực hiện.Tổ chức tuyên truyền, quán triệt tới 15.520 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tham gia, trong đó đảng viên là 2.850 lượt người. Gắn nội dung tuyên truyền, phổ biến chủ trương về sản xuất nông nghiệp hàng hóa với nội dung sinh hoạt đoàn thể của các cơ quan, đơn vị, thông qua hoạt động tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; thông qua tài liệu hỏi - đáp; trên hệ thống loa truyền thanh với thời lượng 900 phút, 15 tin, bài; tuyên truyền trực quan qua 50 băng zôn và 30 lượt thông tin lưu động...
Qua 2 năm triển khai đến nay nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đảm bảo theo tiến độ. Thực hiện tốt công tác quản lý đất sản xuất nông nghiệp, khuyến khích người dân thực hiện việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, tập trung như: vùng lúa chất lượng, vùng chè, cây hoa, cây ăn quả. Trồng chè mới được 20,45 ha tại xã Sùng Phài nâng diện tích chè lên 963,45ha (chè kinh doanh 940ha). Sản lượng chè hàng năm đạt trên 10.000 tấn, riêng năm 2022 sản lượng chè búp tươi đạt 10.892 tấn, tăng 583 tấn so với cùng kỳ 2020. Duy trì sản xuất lúa thuần chất lượng (lúa tẻ râu và các giống lúa thuần khác), đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, chất lượng; trong 2 năm trồng 684ha lúa chất lượng (342ha/năm), sản lượng trung bình 1.735,6 tấn/năm. Duy trì, chăm sóc, bảo vệ 280,4ha mắc ca, đã có 03ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 13,5 tấn. Phát triển vùng sản xuất rau diện tích 30ha, vùng trồng hoa tập trung 78,65ha tại xã San Thàng (trồng mới 15,7ha hoa hồng). Chăm sóc, bảo vệ 160,4ha cây ăn quả, có 2 sản phẩm (bưởi da xanh và ổi không hạt) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Khuyến khích phát triển các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô vừa và lớn theo hình thức công nghiệp khép kín, an toàn sinh học, phòng trừ dịch bệnh và bảo vệ môi trường; nuôi thả đàn ong theo hướng tự nhiên, kiểm soát dịch bệnh tạo các sản phẩm mật ong đặc trưng. Đến nay, có trên 12 cơ sở chăn nuôi tập trung, ứng dụng phương pháp nuôi công nghiệp và bán công nghiệp gắn với chăn nuôi an toàn sinh học và bảo vệ môi trường (1 cơ sở chăn nuôi bò; 4 cơ sở chăn nuôi lợn; 1 cơ sở chăn nuôi ngựa; 1 cơ sở nuôi dê; 1 cơ sở chăn nuôi thỏ; 04 cơ sở nuôi ong). Một số cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học như: Trang trại chăn nuôi lợn (3.600 con) của bà Nguyễn Thị Hòa - phường Đông Phong; trang trại chăn nuôi lợn (1.000 con) của hộ Mai Đình Đồng - xã San Thàng, hộ Nguyễn Văn Hòa - xã Sùng Phài...
Triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 07/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Hỗ trợ làm chuồng trại tập trung, quy mô 1.905 m2; hỗ trợ trồng cỏ làm thức ăn gia súc với quy mô 02ha; hỗ trợ làm hầm biogas với quy mô 220 m3; hỗ trợ phát triển nuôi ong với quy mô 200 thùng... qua đó thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô sản xuất hàng hóa trên địa bàn.
Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại được chú trọng. Khuyến khích công ty, doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đến nay có 44 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao trong đó 2 sản phẩm (Trà Ô long, Trà Đông phương mỹ nhân) đề nghị nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên một đơn vị diện tích năm 2022 đạt 103,4 triệu đồng/ha. Riêng đối với vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung đạt 222 triệu/ha góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã San Thàng hoàn thành 10/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xã Sùng Phài hoàn thành 11/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, khuyến khích phát triển hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp nhằm trao đổi, chia sẻ tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm và thông tin thị trường sản phẩm nông nghiệp, có 21 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; doanh thu bình quân khoảng 467 triệu đồng, thu nhập bình quân người lao động khoảng 48triệu đồng/năm.
Việc phát triển hạ tầng vùng sản xuất được triển khai hiệu quả. Từ các nguồn vốn đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa, kiên cố 5,1km hệ thống thủy lợi xã Sùng Phài và bê tông hóa 13km mặt đường giao thông vùng chè xã Sùng Phài, San Thàng; nâng cấp, sửa chữa 06 công trình thủy lợi kiên cố 7,2km; 04 công trình giao thông nội đồng được cứng hóa mặt bằng bê tông dài 6,8km..., góp phần quan trọng trong việc đi lại, sản xuất của Nhân dân, khắc phục được tình trạng thiếu nước mùa khô, ứ đọng, ngập lụt trong mùa mưa, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất thâm canh, tăng vụ, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra còn chậm, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, các hình thức tổ chức, liên kết trong sản xuất còn hạn chế, chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên giá trị sản xuất chưa cao.
Thời gian tới, để tiếp tục phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung hiệu quả cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Nhân dân trong phát triển kinh tế; chú trọng phát triển các vùng sản xuất có giá trị kinh tế cao. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả, Mắc ca, hoa đáp ứng nhu cầu thị trường; hỗ trợ đầu tư nâng cấp các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo thứ tự ưu tiên, nhất là hệ thống hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nội đồng; kênh mương thủy lợi...khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường. Lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, có lợi thế bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao gắn với liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để tư vấn tham gia thực hiện chương trình OCOP. Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đầu tư trang thiết bị máy móc, nâng cấp mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường./.