Từ tháng 8/2021, Trường THCS Sùng Phài, thành phố Lai Châu đã thành lập Câu lạc bộ thêu tay và đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả, số lượng thành viên năm học 2021-2022 là 20 em học sinh trường THCS Sùng Phài; năm học 2022-2023 là 51 em gồm 40 học sinh trường THCS Sùng Phài, 06 học sinh trường THCS Đoàn Kết, 05 học sinh trường TH&THCS Nậm Loỏng là các cộng tác viên. Đồng chí hiệu trưởng nhà trường trực tiếp tham gia chỉ đạo, tư vấn, hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm và học sinh của câu lạc bộ tổ chức các hoạt động. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của tất cả các giáo viên, nhân viên của nhà trường và một số bậc phụ huynh, nghệ nhân dân gian như: Sùng Thị Dính, Giàng Thị Di, Giàng Thị Kẻ, Sùng Thị Cua (xã Sùng Phài) có kinh nghiệm thêu tay tới giao lưu, truyền dạy về kĩ thuật dẫn thêu, những họa tiết truyền thống và những họa tiết mới sáng tạo cho các thành viên trong câu lạc bộ. Hoạt động của Câu lạc bộ thu hút sự quan tâm, tham gia của học sinh, hiện nay có gần 50% số học sinh nữ dân tộc Mông, Dao của nhà trường là thành viên.
Hiện tại Câu lạc bộ tập trung khai thác có hiệu quả các sản phẩm văn hóa đặc sắc của mình để phục vụ phát triển du lịch địa phương khi thường xuyên trưng bày và bán sản phẩm tại Nhà điều hành khu du lịch cộng đồng bản Gia Khâu I, xã Sùng Phài. Thiết kế sản phẩm sử dụng kỹ thuật thêu tay của học sinh trong câu lạc bộ có tính ứng dụng thực tiễn: trang phục, vỏ gối, túi sách...Khi học sinh tham gia Câu lạc bộ không nhất thiết phải thực hiện ở trường mà các em có thể tự làm ở nhà dưới sự hướng dẫn của các bà, các mẹ, các chị có tay nghề cao nên sản phẩm làm ra ngày càng đẹp hơn. Sản phẩm tại được trưng bày trong các ngày tổ chức sự kiện của ngành giáo dục, của tỉnh như: Trưng bày sản phẩm tại Ngày Hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc; Lễ kỉ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam của UBND thành phố Lai Châu, sở GD&ĐT; phố đi bộ thành phố Lai Châu; Tuần lễ văn hóa, du lịch Lai Châu tại TP Hồ Chí Minh; Hội thảo phụ nữ khởi nghiệp...Ngoài ra, Câu lạc bộ nhà trường đã khuyến khích giáo viên và học sinh tham gia các cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh, thanh niên khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp quốc gia trong các năm 2021, 2022, 2023 và đều đạt các giải tư, giải ba. Khi tham gia các buổi trưng bày Câu lạc bộ đã phân công học sinh giới thiệu, quảng bá, kết hợp bán các sản phẩm, số tiền thu về ngoài việc quay vòng vốn, làm thêm sản phẩm mới được sẽ trích một phần vào quỹ ủng hộ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mua đồ dùng học tập.
Các hoạt động của câu lạc bộ phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, qua đó giúp học sinh hiểu biết và nuôi dưỡng, phát triển lòng tự hào về các di sản truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả và bền vững. Câu lạc bộ sinh hoạt thường lệ vào các ngày trong tháng (Thực hiện khi rảnh, các ngày nghỉ lễ và nghỉ thứ 7, chủ nhật để không ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh). Hiện tại đã tổ chức được 70 buổi tập huấn do các nghệ nhân và giáo viên truyền dạy. Mỗi năm Câu lạc bộ được cấp 10 triệu đồng để hoạt động. Ngoài ra, câu lạc bộ còn huy động thêm các bà, các mẹ, các chị là phụ huynh của học sinh tham gia hỗ trợ may tạo sản phẩm và chi trả một phần tiền công trực tiếp trên các sản phẩm. Ngay từ đầu năm 2023, Nhà trường đã kêu gọi vốn đầu tư của Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Lai Châu cho Câu lạc bộ với số vốn vay là 30 triệu đồng.
Công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm thêu tay đang được trưng bày tại các Hội nghị lớn của thành phố, của Sở GD&ĐT, của UBND tỉnh, phố đi bộ, đặc biệt Câu lạc bộ đã gửi sản phẩm tham gia Tuần lễ du lịch Lai Châu tại thành phố Hồ Chí Minh.... truyền thông trên truyền hình Lai Châu, báo Lai Châu.... giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Wedside, Fanpage. Câu lạc bộ thêu tay đi vào hoạt động đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức đối với công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, Câu lạc bộ thêu tay cũng mới đi vào hoạt động từ năm 2021 bước đầu vẫn còn một số bất cập như: Công tác quản lý, điều hành hoạt động thời điểm mới thành lập chưa khoa học; việc giới thiệu sản phẩm kỹ thuật thêu tay của câu lạc bộ trên thị trường chưa được sâu rộng; số vốn được cấp cho hoạt động còn hạn hẹp; khuôn viên trường chưa bố trí được không gian hoạt động riêng cũng như nơi trưng bày các sản phẩm.
Để hoạt động Câu lạc bộ thêu tay trong trường THCS Sùng Phài tiếp tục phát huy hiệu quả, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc giáo dục kỹ năng sống kết hợp với việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, từng hoạt động, nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình; tạo không khí thoải mái cho học sinh khi tham gia học tập; tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các diễn đàn thanh niên của Thành đoàn Lai Châu, Tỉnh đoàn Lai Châu, các chương trình tổ chức tại Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tiếp tục thu hút kết nạp các thành viên mới vào Câu lạc bộ, xây dựng chuyên đề hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với giai đoạn phát triển của xã hội và của địa phương; có định hướng liên kết với các đơn vị trường trong và ngoài thành phố có cùng chung nét văn hóa để mở rộng hoạt động của Câu lạc bộ. Thông qua đó tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số được giao lưu, học hỏi, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng./.