Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp
Thứ sáu - 18/12/2020 04:345650
Hội nghị được Bộ Tư pháp tổ chức sáng ngày 18/12 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bằng hình thức trực tuyến.
Tại điểm cầu Trung ương, đồng chí Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì và điều hành Hội nghị. Đại diện: Bộ Công an, Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao… dự.
Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự có các đồng chí: Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Tư pháp và đại diện một số cơ quan chuyên môn có liên quan tới công tác giám định.
Ngày 20/6/2012, tại Kỳ hợp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 (sau đây gọi là Luật năm 2012). Qua 7 năm thi hành Luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn, nhờ đó thể chế về giám định tư pháp ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, đặc biệt là phục vụ cho công tác điều tra, phòng chống tham những trong tình hình mới thì pháp luật về giám định tư pháp còn nhiều bất cập. Do đó việc sửa đổi, bổ sung Luật năm 2012 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, đảm bảo đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham những, kinh tế nói riêng.
Luật này đã sửa đổi bổ sung 1 điều mới; sửa đổi, bổ sung 8 điều; bổ sung 4 khoản; sửa đổi, bổ sung 22 khoản; bổ sung 4 điểm và sửa đổi, bổ sung 9 điểm. Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật năm 2012 về: phạm vi giám định tư pháp; nguyên tắc thực hiện giám định; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nghiện, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với các cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp công lập; điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp; công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; quyền và nghĩa vụ của người, tổ chức trưng cầu, yêu cầu giám định và người giám định tư pháp khi thực hiện giám định; trưng cầu giám định; thời hạn, hồ sơ, chi phí, kết luận giám định; văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý (Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, UBND cấp tỉnh) đối với công tác giám định tư pháp; trách nhiệm của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đối với công tác giám định tư pháp.
Tại Hội nghị một số bộ, ngành, địa phương đã tham luận, kiến nghị về các nội dung: phương hướng, giải pháp nhằm đảm bảo công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nội dung hướng dẫn về chi phí triển khai công tác tư pháp của Bộ Tài chính. Kiến nghị: các bộ ngành sớm ban ngành các quy chuẩn chuyên môn về giám định tư pháp…
Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh: các cơ quan, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt về những điều khoản sửa đổi, bổ sung của Luật Giám định tư pháp để thực hiện cho hiệu quả công tác giám định tư pháp; quan tâm xây dựng hoàn thiện các quy trình, quy chuẩn liên quan tới Luật Giám định tư pháp. Kiện toàn tổ chức bộ máy và quan tâm bồi dưỡng trình độ, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ và quan tâm thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách cho người làm công tác giám định. Các địa phương quan tâm bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác giám định. Các cơ quan Trung ương tăng cường phối hợp với các cơ quan ngang Bộ, địa phương về công tác giám định tư pháp. Các bộ, ngành, địa phương trong khi thực hiện Luật nếu phát sinh vướng mắc cần gửi yêu cầu về Bộ Tư pháp để có hướng giải quyết…/.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế