Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các Ban HĐND tỉnh, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh; lãnh đạo UBND thành phố Lai Châu; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; lãnh đạo các phòng ban, đoàn thể huyện; UBND các, xã thị trấn cùng đông đảo Nhân dân, du khách gần xa.
Gầu Tào là lễ hội lớn nhất, tiêu biểu nhất của dân tộc Mông có từ rất lâu đời. “Gầu Tào” theo tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “hội chơi đồi”, ở một số nơi người Mông còn gọi lễ hội theo tiếng Quan Hỏa là “Say Sán” có nghĩa là “Đạp núi”. Lễ hội được tổ chức từ mồng 6 đến ngày 15 tháng riêng tết âm lịch.
Theo truyền thuyết dân gian kể lại, Lễ hội Gầu Tào chỉ đơn thuần gắn liền với việc cầu tự “cầu con”. Đến nay, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng, lễ hội được nhân rộng trở thành lễ hội của cộng đồng. Bởi vậy, ngoài việc cầu con, còn cầu tạ trời đất, thần linh phù hộ, cầu phúc, cầu lộc cho người dân một năm mới mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, đồng chí Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới, gồm 17 xã, thị trấn, với dân số trên 83.000 người. Trong đó, có 93% là người dân tộc thiểu số với 9 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa đặc sắc riêng. Dân tộc Mông ở huyện Phong Thổ có dân số đông thứ 2 trong toàn huyện, là một trong 9 dân tộc hiện đang sinh sống, gìn giữ mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Lịch sử dân tộc và điều kiện sống đã sản sinh ra nền văn hóa truyền thống Mông mang đậm dấu ấn miền sơn cước vừa khắc nghiệt, vừa trữ tình”.
Năm 2006 Lễ hội Gầu Tào được phục dựng và duy trì thường niên hằng năm ở quy mô cấp xã, thu hút đông đảo Nhân dân các dân tộc trong và ngoài khu vực tham dự. Năm nay, Lễ hội Gầu Tào tại huyện Phong Thổ được tổ chức quy mô cấp huyện, với sự tham gia của 6 đoàn đến từ 6 xã: Dào san, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Mù Sang, Lản Nhì Thàng, Sin Suối Hồ - là các xã có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn huyện Phong Thổ.
Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông gồm cúng cầu phúc, cầu may mắn; thi: Văn nghệ, nấu thắng cố, giã bánh dầy; thi đấu các môn thể thao truyền thống…
Lễ hội là dịp để Nhân dân các dân tộc cùng giao lưu văn hóa, tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết, là sợi dây liên kết giữa cộng đồng các dân tộc, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, phát triển, kết hợp giữa văn hóa truyền thống với văn hóa đương đại, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Qua các hoạt động lễ hội góp phần tuyên truyền và phát huy, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn các bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng thời, ngày hội cũng là dịp để giới thiệu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của các dân tộc huyện Phong Thổ bạn bè trong, ngoài tỉnh và quốc tế góp phần phát huy tiềm năng du lịch, thu hút du khách thập phương và các nhà đầu tư đến Phong Thổ.
Trong dịp này, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, các doanh nghiệp đã tặng hoa, quà cho lễ hội./.