Vậy chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Và tại sao cần vững tin, tỉnh táo giữa những làn sóng thông tin trái chiều?
Trái với những lời quy chụp cho rằng việc tinh gọn bộ máy là để “làm màu”, “tạo dấu ấn cá nhân” hay phục vụ lợi ích nhóm, thì thực tế đây là chủ trương xuyên suốt, có căn cứ, có lộ trình rõ ràng được Đảng ta kiên trì theo đuổi từ thời kỳ Đổi mới (1986) đến nay.
Qua các Đại hội IX, XII, XIII, cùng hàng loạt nghị quyết như Nghị quyết 39-NQ/TW (2015), Nghị quyết 18-NQ/TW (2017), Đảng ta xác định rõ: bộ máy cồng kềnh là rào cản lớn khiến nhiều chính sách chậm đi vào cuộc sống. Vì vậy, sắp xếp lại tổ chức không chỉ là cần thiết, mà còn là điều kiện tiên quyết để hệ thống chính trị vận hành hiệu quả hơn.
Để đánh giá một chủ trương có hiệu quả hay không, đừng chỉ nghe “lời người ta nói” - hãy nhìn vào số liệu và thực tế triển khai. Từ 2015 đến cuối 2023: Giảm hơn 84.000 biên chế trên cả nước; cắt giảm 17 tổng cục, 10 cục và 144 vụ/ban; đơn giản hóa hơn 2.770 quy định kinh doanh; gần 150 thủ tục hành chính liên quan dân cư được rút gọn.
Đặc biệt, từ cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, Thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc tinh giản biên chế và giảm bớt các đầu mối, tầng nấc trung gian đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Đến thời điểm này thì Trung ương đã hoàn thành việc thực hiện hợp nhất, sáp nhập, thành lập, giải thể theo phương án sắp xếp tổ chức bộ máy. Sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đã giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương; 25 ban cán sự đảng; 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương; 5 cơ quan Quốc hội; 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ; 30 đầu mối cấp tổng cục; 1.025 đơn vị cấp cục, vụ và tương đương; 4.413 đầu mối cấp chi cục, phòng và tương đương; 240 đơn vị sự nghiệp.
Ở các địa phương, đến nay đã giảm 466 sở, ngành và cấp tương đương; 644 đoàn, đảng đoàn và ban cán sự đảng; 3.984 đơn vị cấp phòng và tương đương; 27 đảng bộ cấp trên trực tiếp và các tổ chức cơ sở đảng. Ở địa phương, con số giảm cũng ấn tượng, thể hiện quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị.
Không chỉ gọn về tổ chức, hệ thống còn mượt hơn trong vận hành, giảm tầng nấc trung gian, cắt bỏ thủ tục rườm rà. Nói cách khác, bộ máy đã bớt “cồng kềnh mà vô dụng”, và bắt đầu chuyển mình thành “gọn nhẹ mà hiệu quả”.
Việc tinh gọn không dừng ở cơ cấu hay biên chế, mà tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Đây là điểm mà các luận điệu xuyên tạc cố tình bỏ qua. Việc miễn học phí toàn quốc từ năm học 2025–2026 là một ví dụ điển hình. Nguồn lực có được từ cắt giảm chi phí hành chính đang được đưa về nơi cần thiết - đầu tư vào giáo dục, đầu tư cho tương lai. Hay người dân giờ đây làm được nhiều thủ tục ngay tại xã - không còn phải chạy lên huyện, chờ hàng giờ, thậm chí phải “chạy chọt” để được việc. Chính sách đúng là chính sách “chạm được vào dân”, và tinh gọn bộ máy đang làm được điều đó.
Các thế lực chống phá không “chửi bới tay đôi”, mà sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn: mượn danh trí thức, viện dẫn con số chính thống rồi xuyên tạc theo hướng tiêu cực. Ví dụ: khi số lượng cấp phó tạm thời tăng lên sau sáp nhập, họ rêu rao: “Càng tinh gọn lại càng phình ra”. Nhưng họ cố tình bỏ qua bối cảnh: đây là giai đoạn chuyển tiếp, không thể “cắt gọn” ngay lập tức, tránh gây xáo trộn lớn và lãng phí nguồn nhân lực có kinh nghiệm. Hơn nữa, Quốc hội đã quy định rõ: trong tối đa 5 năm, số lượng cấp phó phải giảm về mức đúng luật. Mọi việc đều có kế hoạch, không ai “làm bừa”.
Trong thời đại mạng xã hội “mỗi người là một cái loa”, điều quan trọng nhất không phải là ai nói to hơn, mà là ai nói đúng hơn. Giữa ma trận thông tin, mỗi người dân cần trang bị cho mình “sức đề kháng thông tin”: không vội tin, không vội chia sẻ, luôn kiểm chứng và chọn lọc.
Chúng ta hãy nhớ rằng, không phải cứ nói “phản biện” là đúng - nhiều kẻ đang lợi dụng phản biện để chống phá trá hình. Không phải cứ có “học hàm học vị” là phát biểu có trách nhiệm - một số “chuyên gia” đang mượn mác tri thức để ngụy biện cho mục tiêu xấu xa.
Tinh gọn bộ máy không phải là hình thức, càng không phải để “trưng bày”. Đó là hành động cụ thể, có kết quả rõ ràng, và đang từng ngày thay đổi cách Nhà nước phục vụ người dân. Vậy nên, trước mọi luận điệu xuyên tạc, hãy tỉnh táo - vì niềm tin đặt đúng chỗ chính là cách bảo vệ đất nước hiệu quả nhất./.