Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, xây dựng lai châu phát triển nhanh và bền vữngĐẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, xây dựng lai châu phát triển nhanh và bền vững
Thứ hai - 26/10/2020 22:261.2400
Lai Châu - mảnh đất phên dậu miền biên viễn Tây Bắc của Tổ quốc, đang chuyển mình vươn lên cùng cả nước đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trước vận hội mới, để đưa Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, "đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo" được Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Nhìn tổng thể sau hơn 15 năm chia tách, thành lập tỉnh, Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào, từng bước ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, kém phát triển và đến nay, nhiều chỉ tiêu phát triển cơ bản đạt mức trung bình trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Những thành công có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự nỗ lực, tinh thần làm việc tích cực, sáng tạo, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Song, cũng phải thấy còn những vấn đề đặt ra, những hạn chế, bất cập cần tập trung nghiên cứu, tìm ra giải pháp khắc phục để đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn như: Quy mô phát triển kinh tế còn nhỏ; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiếu đồng bộ so với điều kiện và yêu cầu phát triển mới; tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được giải phóng, còn nhiều hạn chế nguồn lực về con người và vật chất trước yêu cầu phát triển kinh tế thị trường gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản sắc các dân tộc; sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, các dân tộc, cũng như những thách thức trong vấn đề hội nhập và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia...
Những hạn chế, bất cập có nguyên nhân khách quan từ điều kiện khó khăn vốn có của tỉnh; nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, do năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu quyết liệt. Trình độ, năng lực, trách nhiệm gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân chưa thật sự nỗ lực vươn lên, thiếu đổi mới, sáng tạo.
Một trong những nhiệm vụ, đồng thời là giải pháp mới, trọng tâm đã được đưa vào Báo cáo chính trị, Nghị quyết và chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV là “đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo”. Chỉ 6 chữ thôi, nhưng để hiện thực hóa được không hề đơn giản bởi ở đây, “đổi mới, sáng tạo” được hiểu theo định nghĩa trong Luật Khoa học và công nghệ năm 2013: "Đổi mới, sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa".
Đối với tỉnh Lai Châu, để tạo ra bước phát triển đột phá trong nhiệm kỳ tới, chúng ta không thể cứ mãi bước đi theo lối mòn, không thể thấy cái khó rồi bỏ qua, mà phải mạnh dạn đổi mới, sáng tạo để tạo ra động lực mới nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững. Trước hết là đổi mới về tư duy trong tầm nhìn và hoạch định chiến lược phát triển, ngay từ khâu xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giai đoạn và hằng năm; nâng cao chất lượng cụ thể hóa và thực thi chủ trương, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn Lai Châu. Thứ hai là đổi mới về cách tiếp cận, đưa các thành tựu khoa học và công nghệ vào phục vụ quá trình phát triển, tập trung nghiên cứu, thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn vướng mắc đang đặt ra để tìm hướng đi phù hợp. Thứ ba là đổi mới mạnh mẽ hoạt động quản lý, điều hành theo hướng nhanh chóng dỡ bỏ các rào cản để giải phóng tối đa sức sáng tạo của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.
Ba nhiệm vụ, giải pháp này sẽ thúc đẩy, phát huy sự sáng tạo, đổi mới của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong việc vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị nhằm đưa nghị quyết, chính sách, pháp luật vào cuộc sống, mang lại kết quả cao nhất. Từ đó, huy động và khơi dậy nguồn lực trí tuệ, tạo ra những hướng tiếp cận mới, khác biệt cho việc hoạch định được các chủ trương, chính sách đủ mạnh, khả thi trong điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Để làm được điều đó, việc đầu tiên là phải tập trung đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ - khâu đột phá, then chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách, thực thi công vụ, sàng lọc, loại bỏ cán bộ, công chức, viên chức yếu về năng lực, trình độ, uy tín giảm sút, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.Đồng thời tạo môi trường, điều kiện khuyến khích, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong điều kiện mới. Nâng cao chất lượng ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển đúng đắn của cấp ủy theo hướng thiết thực, ngắn gọn, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng khâu lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết. Lựa chọn các vấn đề bức xúc, nổi cộm hoặc hạn chế, yếu kém ở địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung giải quyết dứt điểm theo phương châm “3 rõ” (rõ việc, rõ người chịu trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành). Tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với ràng buộc trách nhiệm, nhất là người đứng đầu. Phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải khoa học, dân chủ, gần dân, sát dân, vì dân; bám sát thực tiễn, chịu khó học hỏi, nói đi đôi với làm và làm đến cùng, dứt điểm; có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, không bảo thủ, trì trệ, chống bệnh hình thức và thành tích. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, minh bạch, cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp. Nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước; sớm hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử và chuyển mạnh sang xây dựng chính quyền số. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính công của những đối tượng khó khăn, đặc thù. Thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng, hướng tới mô hình các cơ quan nhà nước “không giấy tờ”.
Sớm đẩy lùi hiện tượng “trông chờ”, “ỷ lại”, “trì trệ” của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân; thổi bùng khát vọng, niềm tin và hành động xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, không cam chịu khó khăn và lạc hậu trong mỗi cán bộ, đảng viên, từng người dân và trong toàn bộ hệ thống chính trị. Thực hiện mở rộng dân chủ gắn với kỷ cương, pháp luật.
Phát huy truyền thống cách mạng hơn 70 năm của Đảng bộ tỉnh, những kết quả đạt được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, để thực hiện quyết tâm chính trị xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước, cần sự thống nhất trong toàn Đảng bộ tỉnh và đồng thuận của Nhân dân các dân tộc, cùng ra sức thi đua, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra./.
Tác giả: Trần Đức Vương - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế