Dự Hội nghị có các đồng chí Lê Đức Dục, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Lụa, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh; Nguyễn Hồng Quân, Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh; các đồng chí lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo các phòng chức năng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh.
Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa Quyết định số 238-QĐ/TW, ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với việc thực thi pháp luật, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm. Kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa, không để xảy ra điểm nóng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Theo đó, Chương trình phối hợp được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ký kết riêng với từng ngành, gồm các nội dung cơ bản: Phối hợp tổ chức học tập, quán triệt chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, địa phương, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hoạt động của ngành Kiểm sát, Tòa án; cung cấp thông tin, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; việc triển khai, thi hành các đạo luật, luật; nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; định hướng nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau khi xây dựng, ban hành các dự án luật, nghị quyết, chương trình, đề án trọng điểm về công tác tư pháp; thực hiện quy trình xử lý, giải quyết các vụ án trọng điểm, có tính chất “phức tạp”, “nhạy cảm”; công tác đấu tranh, xử lý tội phạm ma túy, môi trường, trật tự xã hội. Tuyên truyền hoạt động xét xử các vụ hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, hoạt động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước…
Qua đó, người dân ngày càng được tiếp cận rộng rãi hơn các thông tin liên quan đến lĩnh vực tư pháp của Việt Nam; từng bước hình thành và củng cố nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp trong thực hiện quyền lực nhà nước và tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội đối với việc xây dựng, triển khai thực hiện dự án luật; xử lý, giải quyết các vụ án trọng điểm, có tính chất “phức tạp”, “nhạy cảm”, phác họa hình ảnh lấy dân làm gốc, tạo lòng tin vững chắc của người dân đối với ngành tư pháp Việt Nam...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Đức Dục, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: trên cơ sở chương trình phối hợp đã được ký kết, các cơ quan, đơn vị cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm triển khai thực hiện chặt chẽ, bài bản từng nội dung; thường xuyên trao đổi, thống nhất nội dung, phương thức thông tin, tuyên truyền hằng năm và đối với từng vấn đề cụ thể, nhất là những vấn đề, vụ việc mới nảy sinh, phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm; chủ động nắm tình hình, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội; tăng cường phối hợp đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, bịa đặt, cản trở việc thực thi pháp luật để nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng bản chất vụ việc; quan tâm chỉ đạo các cơ quan báo chí đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ công chức, nhân dân, góp phần làm giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.