Bộ đội Biên phòng Lai Châu: “Dân vận khéo” bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới
Thứ hai - 20/06/2016 21:585140
Khu vực biên giới tỉnh Lai Châu có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 265,095 km gồm 23 xã biên giới, 229 bản thuộc 4 huyện với 10 dân tộc sinh sống. Cùng với những khó khăn về kinh tế, xã hội, khu vực biên giới của Lai Châu còn tiềm ẩn những vấn đề tác động đến ổn định chính trị, trật tự xã hội như: các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật, kích động di cư tự do, buôn bán người, buôn bán trái phép chất ma túy qua biên giới…
Xác định, điạ bàn biên giới là nơi có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia, trong những năm qua, phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, lực lượng Bộ đội Biên phòng Lai Châu luôn chú trọng thực hiện tốt công tác dân vận ở địa bàn biên giới, góp phần xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh ngày càng vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng, cấp uỷ, chính quyền huyện, xã biên giới thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về ý thức quốc gia, quốc giới, chấp hành nghiêm luật pháp về biên giới. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền tập trung tại các buổi sinh hoạt cộng đồng với tuyên truyền đến từng cá nhân, hộ dân khi tham gia lao động, sản xuất giúp dân hoặc dạy học, khám bệnh, cấp thuốc cho dân. Cán bộ chiến sĩ Biên phòng luôn bám sát địa bàn, gần gũi nhân dân, đến tận bản, từng hộ dân, thực hiện 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với bà con để tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn trật tự xóm, bản; chấp hành quy chế khu vực biên giới, hiệp định quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, lôi kéo di cư tự do…Trong 5 năm, Bộ đội biên phòng đã tổ chức vận động được 606 học sinh đã bỏ học quay trở lại trường; tổ chức cho 68 người nghiện cai nghiện ngay tại các Đồn biên phòng. Vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới” với 214 vụ/487 đối tượng phạm tội được bà con nhân dân tố giác; 369 khẩu súng tự chế được nhân dân tự nguyện giao nộp cho các Đồn Biên phòng; 52 bản với 2.529 hộ đăng ký tự quản 177,545/265,095 km đường biên giới; 1.610/3.989 người tự quản cột mốc quốc giới; tuần tra 1.092 lần/6.821 lượt người, trong đó có 2.804 lượt dân quân, công an viên xã, bản tham gia; xây dựng được 141 tổ tự quản an ninh trật tự thôn bản.
Khéo vận dụng phương pháp dân vận trong việc nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, các chiến sĩ biên phòng đã kịp thời phát hiện và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết, ngăn chặn những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở như: di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, buôn bán người, công tác dân tộc, tôn giáo, không để xảy ra điểm nóng, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.…Đến nay, đã có 3 Đồn biên phòng thành lập các tổ công tác tại 3 xã biên giới; duy trì hiệu quả 10 đài phát thanh xã biên giới tuyên truyền hàng ngày tại các địa bàn xung yếu và đông dân cư; vận động 24 hộ/109 khẩu tại các xã Dào San, Tông Qua Lìn, Bản Lang, Sì lở Lầu có ý định di cư ở lại địa bàn yên tâm lao động sản xuất; tổ chức trên 10 vụ truy bắt các đối tượng buôn bán ma túy, lừa bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các Ban, Ngành, lực lượng cùng cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện các dự án Quy hoạch ổn định dân cư, đưa dân ra sát biên giới, làm đường tuần tra biên giới; vận động nhân dân định canh định cư, khai hoang phục hoá, phá nhổ cây thuốc phiện, cai nghiện tại cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân xây dựng nền Biên phòng toàn dân, tạo tiềm lực để quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.
Xác định, xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới phải kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; gắn trách nhiệm với quyền lợi của nhân dân. Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 14-NQ/ĐU của Đảng ủy Bộ đội biên phòng tỉnh về việc “Tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giúp dân phát triển KT- XH”, các đơn vị biên phòng tích cực vận động nhân dân khu vực biên giới tích cực lao động sản xuất, tham gia phát triển kinh tế, vươn lên từng bước ổn định cuộc sống, xoá đói giảm nghèo. Với phương thức dân vận đặc sắc, hiệu quả, có giá trị thực tiễn cao, Bộ đội Biên phòng đã xây dựng được nhiều mô hình “Dân vận khéo” như: Mô hình giúp đồng bào La Hủ định canh, định cư; Mô hình giúp đồng bào La Hủ, Mảng, Dao trồng lúa nước ở các xã Thu Lũm, Pa Ủ, Ka Lăng, Pa Vệ Sủ - Mường Tè, xã Ma Ly Pho - Phong Thổ; Mô hình mỗi đồn biên phòng nhận nuôi 3 cháu con gia đình nhân dân khó khăn ở địa bàn đồn đóng chân. Mô hình vận động nhân dân chăn nuôi gia súc tập trung, nuôi trâu sinh sản, lợn sinh sản với sự hỗ trợ vốn gần 1 tỷ đồng cho nhân dân ở xã Sin Suối Hồ, Huổi Luông - Phong Thổ; Mô hình trợ cấp học bổng hàng tháng từ quỹ “Hũ gạo tình thương” của bộ đội cho các cháu học sinh gia đình khó khăn vượt khó đến trường. Đặc biệt, thực hiện phong trào “Bộ đội Biên phòng Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tổ chức trên 1.500 buổi tuyên truyền về chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước; xây dựng được nhiều mô hình Dân vận khéo của Bộ đội biên phòng trong xây dựng Nông thôn mới như: Mô hình vận động nhân dân làm chuồng gia súc 3 cứng; Mô hình tặng rau xanh của đồn biên phòng cho các trường dân tộc bán trú của Đồn Nậm Xe; Mô hình giúp dân trồng Thảo quả năng suất cao của Đồn Dào San, Sì Lờ Lầu; Mô hình vận động nhân dân hiến đất làm đường tuần tra biên giới của Đồn Ma Lù Thàng; Mô hình vận động nhân dân hiến đất, tự nguyện tham gia công sức, đóng góp vật liệu xây dựng 96,61 km đường giao thông thôn bản; xây dựng 59 phòng học tại 24 điểm trường; xây dựng 29 công trình đường giao thông liên bản, nhà văn hóa bản, bể nước sinh hoạt, chuồng gia súc hợp vệ sinh....Hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ biên phòng thực hiện “4 cùng” với dân, giúp dân làm nhà, sửa nhà; làm nông nghiệp, vệ sinh làng bản…. Hàng năm, các Đồn biên phòng luân phiên tổ chức vui xuân, đón tết cùng dân bản trong xã nơi đồn đóng quân, góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân nơi biên giới. Từ các mô hình “Dân vận khéo” của Bộ đội biên phòng đã làm chuyển biến nhận thức trong nhân dân, nâng cao tính tự giác, tự chủ trong lao động sản xuất góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Bộ đội Biên phòng.
Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh còn tích cực tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh, với nhiều cán bộ, chiến sĩ tăng cường xuống các xã, bản đặc biệt khó khăn góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền cơ sở và chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể các xã khu vực biên giới. Các cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã lựa chọn, giới thiệu 20 cán bộ giàu kinh nghiệm tăng cường ở 20/23 xã biên giới tham gia cấp ủy; trong đó 2 đồng chí làm Bí thư Đảng ủy xã, 18 đồng chí Phó bí thư Đảng ủy xã; giới thiệu 61đảng viên thuộc các Đồn đến sinh hoạt tại đảng các chi bộ bản thuộc Đảng bộ các xã biên giới hoạt động kém hiệu quả; thường xuyên củng cố, kiện toàn các chi bộ, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, bồi dưỡng 987 quần chúng ưu tú giới thiệu phát triển đảng viên, trong đó 652 quần chúng ưu tú được kết nạp đảng; củng cố 143 tổ chức chính trị xã hội.
Những kết quả trong công tác dân vận của Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, là cơ sở quan trọng góp phần phát triển KT- VH- XH, giữ vững ổn định an ninh chính trị địa bàn biên giới, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội, cấp uỷ, chính quyền địa phương./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế