Kết quả bước đầu thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội ở Lai Châu
Thứ tư - 10/08/2016 21:064840
Thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội và Quy định về việc MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền do Bộ Chính trị Ban hành; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU, ngày 14/02/2014 về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức quán triệt, Quy chế, quy định trong cán bộ chủ chốt trong toàn hình.
Trên cơ sở đó các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp theo chức năng, nhiệm vụ để triển khai quyết định của Bộ Chính trị tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Đặc biệt, để thể hiện rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc tiếp thu ý kiến góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh; Tỉnh ủy ban hành Quy định số 17-QĐ/TU, ngày 01/10/2014 về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; ngoài trách nhiệm tiếp thu góp ý còn có quy định về người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước đối thoại trực tiếp với nhân dân.
Song song với việc quán triệt, tuyên truyền, trong thời gian qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động lựa chọn nội dung giám sát, xây dựng chương trình giám sát, thống nhất với cơ quan Nhà nước có liên quan, báo cáo cấp ủy cho ý kiến chỉ đạo thực hiện giám sát. MTTQ và các đoàn thể tỉnh đã phối hợp tổ chức giám sát về đầu tư cho lĩnh vực văn hóa; việc thực hiện Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND tỉnh về kinh phí hỗ trợ cho các chi hội thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn; Hội phụ nữ tỉnh giám sát chuyên đề thực hiện khoản 1, 2, Điều 9 Luật bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp và giám sát việc tạo điều kiện cho hoạt động của tổ chức hội phụ nữ các cấp; Hội nông dân phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở công thương giám sát việc kinh doanh, cung ứng gống cây trồng, vật nuôi thuộc chương trình 30a của Chính phủ; Liên đoàn lao động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN với 45 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Ban dân vận các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp giám sát việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng; giám sát việc thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, đơn vị. Phối hợp với HĐND và các Ban của HĐND các cấp giám sát việc dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, thực hiện BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi; thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua giám sát, đã có những kiến nghị xác đáng, kịp thời đề xuất điều chỉnh những quy định đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống xã hội; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước.
Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp đã tham gia phản biện đối với việc xây dựng các đề án về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức như góp ý trực tiếp, góp ý qua hòm thư, tổ chức các buổi tọa đàm để tham gia góp ý trên các lĩnh vực, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân như: Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật đầu tư công, Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi); góp ý vào các dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với tổng số 21.815 ý kiếm tham gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Công tác giám sát, phản biện của một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện rõ nét, chủ yếu thực hiện ở việc tham gia góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện, văn bản của Trung ương, của tỉnh, địa phương; việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có nội dung còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền, địa phương...
Để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Quyết định 217, 218 trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới theo chúng tôi cần quan tâm thực hiện tốt một số việc sau: (1) Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp cần tích cực tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với hoạt động giám sát, tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; chú trọng công tác phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan trong giám sát, phản biện xã hội, củng cố kiện toàn thường xuyên nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên lắng nghe, tập hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân. (2) Trong xây dựng kế hoạch hàng năm, cần lựa chọn những nội dung giám sát theo các lĩnh vực mà nhân dân và xã hội đang quan tâm, phù hợp với thực tiễn của địa phương; phản biện tập trung vào những chủ trương, chính sách pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ chính đáng của các tầng lớp nhân dân. (3) Việc giám sát và phản biện cần được tiến hành công khai, tổ chức chu đáo, trách nhiệm và phải tập hợp được những cán bộ có kinh nghiệm, các chuyên gia trên các lĩnh vực để thực hiện nội dung giám sát và phản biện có chất lượng, và mang tính xây dựng. (4) Quá trình tổ chức giám sát và phản biện xã hội phải làm đúng quy trình phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Mặt trận, đoàn thể đảm bảo tính đúng, tính nhân dân, tính trung thực, tính khách quan và khoa học. (5) Thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin, các ý kiến đóng góp theo quy định, nhất là giải quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm được phát hiện, qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhằm tạo niềm tin và động lực cho đoàn viên, hội viên và nhân dân./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế