Trong 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 28/8/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng”, Tỉnh uỷ Lai Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền tăng cường vai trò lãnh đạo đối với các tổ chức hội quần chúng, củng cố, kiện toàn tổ chức hội và xây dựng đội ngũ cán bộ hội các cấp; định hướng hoạt động của các hội quần chúng sát với yêu cầu thực tiễn, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở; lãnh đạo chính quyền các cấp cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động của hội quần chúng, tạo điều kiện để hội hoạt động có hiệu quả, gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm đến hoạt động của các hội quần chúng; quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác hội quần chúng. Công tác quản lý nhà nước đối với các hội và ban hành các văn bản pháp luật về hội đưa hoạt động của các tổ chức hội đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, ban, ngành đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội quần chúng trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trên các mặt của đời sống xã hội. Các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh đã phát triển về số lượng, đa dạng về hình thức tổ chức, tập hợp đông đảo hội viên vào tổ chức; hoạt động của các hội theo đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ, cơ bản đã gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 79 tổ chức hội, trong đó có 21 tổ chức hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, 45 tổ chức hội hoạt động trong phạm vi huyện, 13 tổ chức hội hoạt động trong phạm vi xã. Các tổ chức hội được công nhận có tính chất đặc thù và được giao biên chế là 18 hội (trong đó cấp tỉnh 10 hội, cấp huyện 8 hội). Tổng số hội viên của các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh là 318.748 hội viên; tổng số viên chức chuyên trách tại các tổ chức hội là 86 người (trong đó cấp tỉnh 63 người, cấp huyện 23 người). Vai trò của các tổ chức hội là nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, xây dựng, củng cố khối đoàn kết các dân tộc, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Tích cực vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các phong trào thi đua của các cấp, các ngành phát động, như: Hội Nhà báo, Hội Văn học - Nghệ thuật phát động các hội thi sáng tác các đề tài về biên giới, ca ngợi đất nước, con người và quê hương Lai Châu; xuất bản các ấn phẩm báo chí văn học - nghệ thuật chất lượng; sáng tác các tác phẩm thơ, ca, văn học - nghệ thuật, thu hút nhiều hội viên tham gia, góp phần nâng cao đời sống tinh thần đồng thời giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh Lai Châu; Hội Chữ thập đỏ đã vận động và huy động từ các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh và sự trợ giúp của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các tỉnh, thành hội trong cả nước với số tiền trị giá trên 86 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ 106.915 lượt hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật nghèo; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 10.762 lượt người tại các xã đặc biệt khó khăn; 9.000 lượt người đăng ký hiến máu tình nguyện và tiếp nhận 6.425 đơn vị máu...
Các hội quần chúng trong tỉnh thực hiện các phong trào thi đua của các cấp, các ngành phát động; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo...
Kinh phí hoạt động của các hội có tính chất đặc thù được cấp đúng theo quy định của Nhà nước; hằng năm, các cấp chính quyền cân đối hỗ trợ cho các tổ chức hội một phần kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao; các tổ chức hội không được cấp kinh phí, nguồn thu của hội chủ yếu từ hội phí hằng năm của hội viên, từ các hoạt động của hội, tiền tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các khoản thu hợp pháp khác được thực hiện đảm bảo theo quy định tại điều lệ hội được phê duyệt. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức hội (từ năm 2012-2017) là trên 86,4 tỷ đồng; trong đó tổng kinh phí hỗ trợ cho các hội có tính chất đặc thù trên 82,2 tỷ đồng. Tổng kinh phí các tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ (từ năm 2012 - 2017) trên 23 tỷ đồng. Kinh phí vận động đóng góp năm 2017 trên 9,2 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị của Đảng về hội quần chúng vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp ủy chưa chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động của các tổ chức hội; một số cơ quan quản lý chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của hội; hiệu quả hoạt động của một số hội còn hạn chế, hoạt động chưa thường xuyên, nội dung, cách thức hoạt động có việc thiếu cụ thể; một số hội viên tham gia hoạt động chưa nêu cao tinh thần, trách nhiệm; phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội với các tổ chức hội còn thiếu chặt chẽ; việc kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của các hội chưa thường xuyên,...
Để các tổ chức hội ngày càng phát triển về số lượng, đa dạng về hình thức và hoạt động có hiệu quả góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần phải tiếp tục quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW; Kết luận số 102-KL/TW, ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác hội gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về định hướng nhiệm vụ và công tác tổ chức, hoạt động của hội để hội hoạt động có hiệu quả, gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hằng năm có đánh giá tình hình hoạt động của hội quần chúng trên địa bàn tỉnh và khen thưởng theo quy định. Rà soát các hội đã được thành lập chưa đúng quy định, hướng dẫn các hội hoàn thiện thủ tục thành lập đảm bảo theo quy định...; Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ, công tác hội; đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, khắc phục hành chính hóa trong tổ chức và hoạt động của hội. Hằng năm cần có chương trình, kế hoạch, xác định nội dung công việc cụ thể và bám sát vào nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động phối hợp chặt chẽ với các hội quần chúng, nhất là ở cơ sở trong việc nắm tình hình tư tưởng; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia giữ gìn an ninh trật tự xã hội, nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động trái pháp luật; tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.../.